Nguyễn Thành Trung (quận 1, TP HCM) hỏi: Cách đây 10 năm, tôi có quen cô X. Lúc đó, chúng tôi dự định tiến tới hôn nhân nên tôi đưa 20 cây vàng cho cô X. để mua nhà và đứng tên dùm (có giấy biên nhận tiền). Sau đó, tôi ra nước ngoài sinh sống và chúng tôi chia tay. Đến nay, tôi quay trở về Việt Nam đòi nhà thì cô ấy không chịu trả, cho rằng nhà cô ấy đứng tên rồi bán nhà cho người khác với giá cao gấp nhiều lần. Như vậy, cô ấy có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không? Làm sao tôi có thể đòi lại tài sản?
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, trả lời: Theo quy định tại khoản 16 điều 3 Luật Đất đai 2013: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để nhà nước xác nhận QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất". Như vậy, xét về mặt pháp lý, người đứng tên trên giấy chứng nhận QSH nhà là căn cứ để xác định QSH đối căn nhà đó.
Tuy nhiên, nếu có giấy tờ chứng minh việc bạn nhờ cô X. đứng tên dùm nhà thì bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để đòi lại tài sản.
Căn cứ theo Án lệ số 02/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6-4-2016, nếu bạn có đủ chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất được mua do tiền của bạn thì sẽ được tòa án giải quyết theo hướng cô X. phải trả lại số tiền gốc cho bạn. Bên cạnh đó, đối với việc căn nhà đã bán cho người khác thì thường tòa án sẽ không yêu cầu buộc trả lại nhà. Tuy nhiên, với phần tiền chênh lệch do giá nhà được bán cao hơn, tòa án sẽ xem xét và xác định công sức đóng góp của các bên như công sức tôn tạo, cải tạo căn nhà, làm tăng giá trị căn nhà … để chia phần chênh lệch cho các bên tương xứng.
Đây là vụ án dân sự tranh chấp tài sản chứ chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu bên nhận đứng tên nhà dùm có những thủ đoạn lừa dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, có thể sẽ bị xử lý hình sự về các tội tương ứng nếu cơ quan điều tra chứng minh được.
Theo Người Lao Động