Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đăng hình người vay tiền lên mạng làm giả lệnh truy nã, xử lý thế nào?

Đăng hình người vay tiền lên mạng làm giả lệnh truy nã, xử lý thế nào?
Việc đăng tải hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, tạo sức ép phải trả nợ là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của công dân.

Đăng hình người vay tiền lên mạng làm giả lệnh truy nã, xử lý thế nào?

Theo thông tin trên cổng TTĐT Bộ Công an, người dân phản ánh về việc bạn của mình vay tiền nhưng trả muộn so với thời hạn giao hẹn, chủ nợ thấy vậy đã đăng tải hình ảnh cá nhân của con nợ lên mạng làm giả lệnh truy nã. Như vậy, đối với hành vi này, theo quy định pháp luật thì chủ nợ sẽ bị xử lý như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo về quyền hình ảnh của cá nhân như trên, nhưng cũng tại khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, có 2 trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Việc chủ nợ làm giả lệnh truy nã, đăng tải hình ảnh cá nhân của người vay tiền lên để nhằm mục đích bôi nhọ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự cá nhân của người vay, từ đó tạo sức ép để người vay tiền phải trả nợ. Hành vi này đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của công dân.

Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi này gây ra, người vi phạm có thể bị xửa phạt hành chính hoặc xử lý .

Cụ thế, trường hợp hành vi này gây hậu quả không nghiêm trọng thì người vi phạm bị xử phạt hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: “... Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Trường hợp hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 hoặc Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm.

Đối với tội Vu khống, Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 2 người trở lên; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Như vậy, trong trường hợp này, nạn nhân có thể làm đơn trình báo đến lực lượng chức năng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24015 sec| 654.883 kb