Theo đó, ngày 28/4 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố dự thảo (lần hai) Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ từ năm 2021.
Phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Ban soạn thảo cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu dự thảo luật sẽ tăng tuổi nghỉ hưu cho nam lên 62 tuổi (quy định hiện hành là 60 tuổi) và nữ 60 tuổi (quy định hiện hành là 55 tuổi) được thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, hai phương án đều đưa ra lộ trình tăng khác nhau. Phương án một tăng chậm hơn (3-4 tháng), phương án 2 tăng nhanh hơn (4-6 tháng).
Việc ấn định tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ theo Bộ LĐ-TB&XH có nguyên nhân của già hóa dân số, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động. Cụ thể, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 76,6 tuổi, trong đó nam là 72,1 tuổi, nữ là 81,3 tuổi.
Theo Ban soạn thảo, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai. Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần tuổi nghỉ hưu (tăng chậm) để tránh gây "sốc" cho thị trường lao động và có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
Tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Số liệu thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60-62 chiếm 37,5%; Tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60-62 chiếm 47,2%.
Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.
Bộ luật Lao động được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/1995. Qua 24 năm, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012.