Theo Luật căn cước công dân, dự kiến chậm nhất từ ngày 1/1/2020 việc cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay mới có 16 tỉnh thành trên cả nước đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện việc cấp thẻ CCCD.
Hiện mới cấp được khoảng 16 triệu số định danh và CCCD, còn khoảng 80 triệu người chưa được cấp, trừ số người dưới 14 tuổi thì còn khoảng 50 triệu người, và có thể hoàn thành cấp trong một năm (từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021).
Để kịp tiến độ cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bộ Công an có chủ trương đẩy nhanh tiến độ (gồm cả tuyên truyền, khuyến khích người dân đi làm thẻ CCCD).
Thẻ CCCD hiện nay sử dụng công nghệ mã vạch. Sau khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD sẽ được gắn chip để trở thành thẻ công dân điện tử.
Do đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đề nghị công an các tỉnh thành đang cấp đổi chứng minh nhân dân (CMND) sang thẻ CCCD ngừng khuyến khích việc người dân cấp đổi thẻ CCCD.
Công an các tỉnh thành cần giải thích cho người dân, những người chưa thật sự cần thiết cấp đổi thẻ CCCD nên đợi để sắp tới đổi sang mẫu mới có gắn chip.
Thông tin về việc thay đổi mẫu CCCD này khiến không ít người dân và cả cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gặp lúng túng.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng C06 cho biết, dự án sử dụng mẫu thẻ CCCD gắn chip dự kiến thực hiện khoảng tháng 11/2020. Khi có thẻ CCCD mẫu mới, người dân sẽ được cấp đổi dần dần theo lộ trình, không bắt buộc đổi mẫu mới ngay.
Về cơ bản thẻ CCCD mẫu mới chỉ khác thẻ CCCD hiện nay là gắn chip thay vì mã vạch, thông tin khác, mã số định danh không thay đổi.
Sẽ có thể có nhiều loại căn cước cùng tồn tại. Tuy nhiên theo ông Huệ, Bộ Công an chủ trương đến ngày 1/7/2021 sẽ cơ bản thay toàn bộ CMND 9 số.
Bộ Công an chỉ dừng việc tuyên truyền cho người dân đi đổi CMND mẫu cũ sang CCCD hiện tại, chuyển sang tuyên truyền cho người dân chuẩn bị đổi sang cấp CCCD mẫu mới chứ không phải dừng việc cấp thẻ CCCD.
Những trường hợp chưa thật sự cần thiết đổi ngay, người dân nên dừng lại một thời gian. Còn trường hợp cần thiết đổi như: người cần cấp CCCD để đi thi, đi học hoặc CMND hết hạn cần đổi sang CCCD để giao dịch... thì vẫn phải cấp.
Theo điều Điều 28 Luật Căn cước công dân ngày 20/11/2014 về vấn đề thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:
1. Thẻ căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
2. Thẻ căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:
a) Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
3. Trong thời gian bị tạm giữ thẻ căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Công dân được trả lại thẻ căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân:
a) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.