Cụ thể, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 208/2013/NÐ-CP quy định hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đó, mức phạt đối với hành vi cản trở người thi hành công vụ như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ tại Điều 21 Nghị định số 144/2021/NÐ-CP quy định về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ:
- Phạt tiền từ 1-4 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
- Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
- Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của nguời thi hành công vụ;
Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Ngoài ra, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định số 144/2021/NÐ-CP ngoài phạt tiền còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm này là buộc xin lỗi công khai.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức cao nhất cho tội này có thể phạt tù lên đến 7 năm.
3. Cản trở người thi hành công vụ gây thương tích bị xử lý thế nào?
Có không ít trường hợp người vi phạm sử dụng vũ lực gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, mặt khác, hiện nay Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội chống người thi hành công vụ lại mới chỉ quy định về mức phạt tù với hành vi chống người thi hành công vụ gây thiệt hại về tài sản.
Về vấn đề này, trường hợp gây thương tích với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, nếu gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo đó, mức phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.