Thông tin từ báo Tiền Phong, theo Bộ Công Thương, tính đến chiều tối ngày 10/10, có hơn 400 cửa hàng xăng dầu trên cả nước đóng cửa, ngừng hoạt động và gián đoạn nguồn cung. Đặc biệt, người dân trên địa bàn TP.HCM hết sức bức xúc khi liên tiếp các cửa hàng thông báo “hết xăng”, “hết xăng, đang chờ nhập hàng”, “hết xăng, mong quý khách thông cảm”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo Đại Đoàn Kết, thực tế cho thấy nhiều cửa hàng xăng dầu thông báo hết xăng một cách khó hiểu. Một số cửa hàng xăng dầu treo biển “hết xăng” nhưng cây xăng vẫn mở cửa, vẫn có nhân viên làm việc, hết xăng vẫn mở cửa bán dầu. Bên cạnh đó, không ít cửa hàng đổ xăng cho khách có định mức rõ ràng, chỉ bán 20.000 đồng - 30.000 đồng tiền xăng/ 1 xe máy.
Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết, qua rà soát sơ bộ, một số cửa hàng chỉ bán cho người dân với mức 30.000 - 50.000 đồng/xe máy hoặc duy trì 1 - 2 trạm bơm là do không có hàng để bán. Một nguyên nhân khác, kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp thời, đặc biệt là vào thời điểm giờ cao điểm do phương tiện vận chuyển xăng dầu không được lưu thông trong giờ cao điểm.
Tình trạng thiếu hụt xăng đã gây ra nhiều hệ lụy đối với người dân. Theo báo Người Lao động, đêm 10/10, một người đàn ông mang 3 can xăng 30 lít đến trước cây xăng trên đường Đồng Khởi (đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) để bán kiếm lời. Nhiều người dân dừng lại, tranh nhau mua tạo nên cảnh chen lấn. Nhiều người than thở đã đi 5 cây xăng nhưng không đổ được, đành lòng mua ở đây chứ không còn cách nào khác, tuy nhiên cũng phải chờ đợi, nài nỉ mãi mới mua được 30.000 đồng xăng.
Vậy có hay không tình trạng các đại lý xăng dầu cố tình “găm xăng”, chờ xăng lên giá để thu được nhiều lợi nhuận hơn? Nếu thực sự tình trạng này xảy ra, khung hình phạt dành cho các đơn vị này là gì? Trả lời phỏng vấn của PV, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Văn phòng Luật sư X, thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: “Găm xăng dầu có thể hiểu là hành vi có dấu hiệu đầu cơ tích trữ xăng, dầu. Cụ thể là khi các cửa hàng đồng loạt đóng cửa sớm, một số cây xăng đóng cửa không bán, số khác bán cầm chừng, nhỏ giọt, nhiều cửa hàng còn xăng nhưng tích trữ không bán cho người dân và có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá. Theo căn cứ tại Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, nếu như có hành vi găm xăng hay có dấu hiệu đầu cơ tích trữ xăng không bán, cầm chừng, bán nhỏ giọt sẽ có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức theo Điều 5 Nghị định 99/2020/NĐ-CP”.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.