Mới đây, nhiều họa sĩ nước ta lại kêu cứu vì "những đứa con tinh thần" của mình tiếp tục bị mang ra sao chép, in lậu, bày bán ngang nhiên trên thị trường. Nhức nhối nhất là việc một số xưởng tranh đã sao chép lại tranh của các họa sĩ có tên tuổi hoặc một số tranh đoạt giải thưởng cao rồi rao bán công khai trên website khiến nhiều người tưởng nhầm là tranh thật. Không ít người đã bỏ ra những số tiền không nhỏ để rinh về những bức tranh chép mà cứ nghĩ là tranh “xịn”. Điều này khiến cho vấn đề bảo vệ tác quyền mỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn, còn tuy tín của nhiều họa sĩ cũng bị ảnh hưởng.
Trao đổi với luật sư Trần Anh Dũng, Công ty Luật Đại Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này, ông cho biết: Tranh vẽ là một loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, cụ thể là thuộc nhóm sản phẩm về hội hoạ. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các tác phẩm phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định của pháp luật.
“Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định rất cụ thể, rõ ràng về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm liên quan đến mỹ thuật, hội hoạ. Vấn đề còn lại chỉ là các tác giả làm thế nào, cách nào để bảo vệ tác quyền của mình không bị người khác xâm hại, sao chép mà thôi”, luật sư Trần Anh Dũng nói.
Theo luật sư Dũng, hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia, điển hình như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thuỵ Điển… đều đã ban hành những quy định rất rõ ràng, cụ thể về bảo vệ quyền tác giả (Luật Quyền tác giả của Nhật Bản, Luật Quyền tác giả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển…). Ngoài ra từ lâu giữa các nước trên thế giới đã có như công ước, hiệp ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả như: Công ước toàn cầu về bản quyền (UCC), Hiệp ước của WIPO về Quyền tác giả (WCT)…
Luật sư Trần Anh Dũng cũng cho biết, để bảo vệ quyền tác giả, ở các nước trên thế giới hầu hết áp dụng các biện pháp xử lý đối với hành vi phạm trên là phạt tiền và bồi thường thiệt hại. Đối với những hành vi có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật của nước sở tại.
Riêng đối với việc sao chép lậu (tức là sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả) các tác phẩm hội hoạ thì Luật Việt Nam hiện nay áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật (Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐCP).
Trường hợp giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (Điều 19 Nghị Định 131/2013/NĐCP).
Theo Báo Công Lý