Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hợp đồng cho thuê đất có phải công chứng?

Hợp đồng cho thuê đất có phải công chứng?
Cho thuê quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, hợp đồng cho thuê đất thì có phải công chứng không?

Hợp đồng cho thuê đất có phải công chứng?
Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, về điều kiện cho thuê quyền sử dụng đất thì căn cứ khoản 1, Điều 167, Luật Đất đai 2013 đã nhấn mạnh người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo đó, khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện cho thuê quyền sử dụng đất như sau:

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, người sử dụng đất được phép cho thuê đất nếu quyền sử dụng đất đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Liên quan đến vấn đề hợp đồng cho thuê đất có phải công chứng có cần phải công chứng hay không, Luật sư cho biết, tại điểm b, khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai 2013 quy định:

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;\.

Theo quy định nêu trên, đối với hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

Điều này có nghĩa, pháp luật không bắt buộc hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực mà chỉ bắt buộc công chứng đối với hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Tuy vậy, các giao dịch liên quan đến bất động sản thường tương đối phức tạp và dễ xảy ra tranh chấp, do đó các bên được khuyến khích nên thực hiện công chứng, chứng thực đối với hợp đồng cho thuê đất để đảm bảo giá trị pháp lý.

Về hiệu lực của hợp đồng cho thuê đất, Luật sư cho biết, căn cứ khoản 3, Điều 188, Luật Đất đai 2013, việc cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Ngoài ra, cũng theo khoản 6, Điều 95, Luật Đất đai 2013, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất có hiệu lực thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai.

Hồ sơ đăng ký cho thuê quyền sử dụng đất như sau (căn cứ khoản 2, Điều 7, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT), hồ sơ gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;

- Hợp đồng về việc cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

- Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư.

- Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cho thuê tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp cho thuê tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản không đồng thời là người sử dụng đất.

Người sử dụng đất nộp hồ sơ theo một trong các cách sau:

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp trực tiếp tại xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại xã, phường, thị trấn nơi có đất:

- Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) nơi có đất;

- Địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa có Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Lưu ý: Trường hợp cho thuê một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Link nguồn: https://lsvn.vn/hop-dong-cho-thue-dat-co-phai-cong-chung-khong-1692775224.html

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.61414 sec| 646.273 kb