Đây là một trong những yêu cầu đáng chú ý tại Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/12/2023 về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.
Theo đó, điểm khác biệt lớn nhất so với Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT ngày 28/4/2017 là không được đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, theo Điều 5, Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT quy định về yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa nêu rõ, hệ thống đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo đã được xây dựng hoàn chỉnh bảo đảm đầy đủ các thành phần theo quy định tại khoản 5, Điều 2 của Quy chế này.
Cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 03 khoá liên tục theo hình thức chính quy. Không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Chương trình đào tạo từ xa đã được xây dựng, thẩm định và ban hành theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT; các chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành và các quy định của Quy chế này.
Bộ phận phụ trách tổ chức và quản lý đào tạo từ xa quản lý, giám sát được: quá trình giảng dạy, học tập; thời lượng tương tác giữa giảng viên và người học, giữa người học và người học; thi, kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng. Đơn vị chủ trì phụ trách chuyên môn chương trình đào tạo từ xa là đơn vị chủ trì phụ trách chuyên môn chương trình đào tạo chính quy.
Hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập bảo đảm khách quan, trung thực; đánh giá được quá trình học tập, đánh giá kết thúc học phần, môn học; kiểm soát và xác thực được việc học, làm bài kiểm tra, thi và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong chương trình học tập của người học.
Quy chế của cơ sở đào tạo bảo đảm tuân thủ các quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu; đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.
- Giảng viên cơ hữu phải đáp ứng quy định về chuẩn chương trình đào tạo và các chuẩn chương trình đào tạo có liên quan do Bộ GD&ĐT ban hành. Giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và chủ trì giảng dạy chương trình theo quy định về mở ngành đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT phải trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình đào tạo từ xa;
- Tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng; và được tăng lên tối đa 50% khi và chỉ khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này thực hiện trên 20% khối lượng chương trình đào tạo từ xa.
Bên cạnh đó, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai thực hiện chương trình đào tạo từ xa, cụ thể:
- Có phòng kỹ thuật đủ diện tích để lắp đặt các thiết bị của hệ thống đào tạo từ xa; có phòng làm việc đủ diện tích và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của các cán bộ quản lý, cán bộ hỗ trợ học tập và giảng viên;
- Có đủ trang thiết bị, hạ tầng, phần mềm cần thiết phục vụ cho phương thức đào tạo từ xa; hệ thống quản lý tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng cùng với hệ thống quản lý đào tạo chính quy;
- Có hệ thống kỹ thuật hỗ trợ thực hiện đào tạo từ xa bảo đảm: Cung cấp các thông tin liên quan tới đào tạo từ xa; lưu trữ và truyền tải nội dung chương trình đào tạo từ xa tới người học; giám sát, quản lý và đánh giá người học trong quá trình học tập; lưu trữ và bảo mật thông tin về việc học tập, quá trình tham gia học tập cũng như hồ sơ cá nhân của người học đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành và quy định của cơ sở đào tạo về lưu trữ và bảo mật thông tin; kết nối thông tin giữa người học, giảng viên và cán bộ quản lý qua hệ thống công nghệ thông tin;
- Có thư viện, thư viện điện tử với số lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo và các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành đủ để cung cấp, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của người học;
- Có đủ học liệu chính và học liệu bổ trợ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo từ xa và có kế hoạch xây dựng và phát triển học liệu chính và học liệu bổ trợ cho các học phần còn lại cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để chậm nhất trước 01 năm (12 tháng) tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải có đầy đủ học liệu phù hợp với phương thức đào tạo từ xa.
Đáp ứng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT.
Có đề án đào tạo từ xa được xây dựng cho từng chương trình đào tạo cụ thể trong đó mô tả chi tiết về: sự cần thiết mở đào tạo từ xa; việc chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa, giải pháp và lộ trình triển khai theo quy định tại Điều này; phương án phòng ngừa và xử lý rủi ro có thể xảy ra để bảo vệ quyền lợi cho người học, giảng viên, cơ sở đào tạo và các bên liên quan.
Hội đồng trường hoặc hội đồng đại học quyết định về chủ trương đào tạo từ xa trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng và ý kiến của hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo. Hiệu trưởng quyết định phê duyệt đề án và quyết định đào tạo từ xa trên cơ sở ý kiến thẩm định, đánh giá mức độ đáp ứng của thực tế so với yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa của hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Điều 3, Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT về yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa được quy định rõ như sau:
Hệ thống đào tạo từ xa của cơ sở giáo dục đại học đã được xây dựng hoàn chỉnh, phù hợp với phương thức đào tạo từ xa lựa chọn.
Việc thực hiện chương trình đào tạo từ xa phải được xác định trong sứ mạng, tầm nhìn, phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đại học, được Hội đồng đại học, Hội đồng trường hoặc Hội đồng quản trị quyết nghị thông qua. Cơ sở giáo dục đại học được thực hiện chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học đối với những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học.
Chương trình đào tạo từ xa đã được xây dựng hoàn chỉnh, có kế hoạch đào tạo toàn khóa và đề cương chi tiết của từng học phần đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo, phù hợp với phương thức đào tạo từ xa. Trong cùng một ngành đào tạo, nội dung của chương trình đào tạo từ xa như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.
Bộ máy tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo từ xa đảm bảo quản lý, giám sát được quá trình giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra, đánh giá và cấp bằng. Có đơn vị khảo thí với ngân hàng đề thi đầy đủ và thực hiện quy trình khảo thí độc lập.
Quy định về đào tạo từ xa của cơ sở giáo dục đại học đảm bảo tuân thủ các quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý có đủ kiến thức, đã được bồi dưỡng kỹ năng và phương pháp về giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.
Đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai đào tạo từ xa:
- Có phòng kỹ thuật đủ diện tích để lắp đặt các thiết bị của hệ thống đào tạo từ xa; có phòng làm việc đủ diện tích phục vụ sinh hoạt của các cán bộ quản lý và giảng viên;
- Có đủ các thiết bị cần thiết phục vụ cho phương thức đào tạo từ xa;
- Có hệ thống kỹ thuật hỗ trợ thực hiện đào tạo từ xa đảm bảo: cung cấp các thông tin liên quan tới đào tạo từ xa; lưu trữ và truyền tải nội dung chương trình đào tạo từ xa tới người học; giám sát, quản lý và đánh giá người học trong quá trình học tập; lưu trữ và bảo mật thông tin về việc học tập, quá trình tham gia học tập cũng như hồ sơ cá nhân của người học; kết nối thông tin giữa người học, giảng viên và cán bộ quản lý qua hệ thống công nghệ thông tin;
- Có hệ thống kiểm tra, đánh giá đảm bảo đánh giá được quá trình học tập hoặc đánh giá kết thúc học phần, môn học phù hợp với phương thức đào tạo từ xa; kiểm soát và xác thực được việc học, làm bài kiểm tra, thi và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong chương trình học tập của người học; đánh giá được đúng kết quả học tập của người học;
- Trang thông tin điện tử phải được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai học phí và các khoản thu khác từ người học;
- Có thư viện, thư viện điện tử với số lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, và các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành đủ để cung cấp, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của người học;
- Có đơn vị tổ chức sản xuất học liệu đào tạo từ xa. Có đủ học liệu chính và học liệu bổ trợ phù hợp với phương thức đào tạo từ xa cho 2/3 số học phần của chương trình đào tạo từ xa cho những năm đầu và có kế hoạch xây dựng và phát triển học liệu cho các học phần còn lại.
Có hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trực tuyến toàn bộ thông tin của quá trình tuyển sinh, đào tạo, khảo thí, xét tốt nghiệp và cấp bằng của từng người học.
Đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học lựa chọn phương thức Mạng máy tính.
Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT này có hiệu lực kể từ ngày 12/02/2024 và áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành.
Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT ngày 28/4/2017.
Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Link nguồn: https://lsvn.vn/khong-duoc-dao-tao-tu-xa-nganh-suc-khoe-va-su-pham-1704617797.html