Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Mua bán trái phép hóa đơn bị xử lý như thế nào?

Mua bán trái phép hóa đơn bị xử lý như thế nào?
Mua bán trái phép hóa đơn hiện nay là vấn đề nhiều cá nhân, nhiều doanh nghiệp quan tâm. Hiện nay, việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều, công khai trên các trang mạng xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các mức độ khác nhau.

Mua bán trái phép hóa đơn bị xử lý như thế nào?
Ảnh minh hoạ. 

Cụ thể, về vấn đề này, Cục Thuế Hà Nội cho biết, hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định pháp luật. Hóa đơn giá trị gia tăng là căn cứ để xác định số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn. Hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

Theo quy định hiện nay, tùy theo mức độ, hành vi mua bán trái phép hóa đơn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm . Cụ thể, tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bởi điểm k khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân, tổ chức phạm tội mua bán trái phép hóa đơn như sau:

“1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Do vậy, Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo doanh nghiệp cần lưu ý không thực hiện mua bán trái phép hóa đơn để tránh vướng phải các rủi ro về mặt pháp lý.

Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Link nguồn: https://lsvn.vn/mua-ban-trai-phep-hoa-don-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-nhu-the-nao-1684466014.html

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37114 sec| 634.383 kb