Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Người có hồ sơ bị công chứng giả cần làm gì?

Người có hồ sơ bị công chứng giả cần làm gì?
Các cá nhân, tổ chức đã xác thực giấy tờ tại cơ sở công chức giả này cần phải thực hiện lại thủ tục chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật, tránh hệ lụy về sau

Vừa qua, Sở Tư pháp TP.HCM phát hiện Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu (quận 9, TP.HCM) có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng quận 12 để công chứng, chứng thực 600 vụ việc.

Liên quan đến những hệ lụy cho những hồ sơ được công chứng, chứng thực để giao dịch từ cơ sở này, PV đã trao đổi với Phan Vũ Tuấn (Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM).

Chứng thực lại hồ sơ

Theo luật sư Tuấn, tại khoản 1 Điều 2 luật Công chứng 2014 nêu công chứng là hoạt động do cá nhân có trình độ chuyên môn (công chứng viên) của một tổ chức đủ điều kiện hành nghề chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hồ sơ. Nên các hợp đồng, giao dịch được công chứng sẽ có giá trị là chứng cứ khi có tranh chấp phát sinh.

Vì thế, việc Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu thực hiện hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng quận 12, công chứng viên Nguyễn Thế Thành là hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật công chứng (điểm m khoản 1 Điều 7 luật Công chứng 2014).

"Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủ tục thu thập chứng cứ của pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng , ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả quyết định, bản án của tòa", luật sư Phan Vũ Tuấn nhận định.

Người có hồ sơ bị công chứng giả cần làm gì?
Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng quận 12.  Ảnh: Sở Tư pháp.

Cũng theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức sẽ vô hiệu. Do vậy, đối với giao dịch, hợp đồng dân sự được xác thực từ cơ sở này mà đã được một bên hoặc các bên thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì có thể yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch mà không cần công chứng lại. Tuy nhiên, 2/3 nghĩa vụ là như thế nào thì luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM khuyên các cá nhân, tổ chức đã thực hiện việc công chứng giấy tờ tại Sao Bắc Đẩu tốt nhất phải thực hiện lại thủ tục công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật để tránh những hệ lụy về sau như bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, việc sử dụng các giấy tờ/giao dịch bị công chứng, chứng thực trong trường hợp nhằm cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc người sử dụng các giấy tờ, giao dịch này ý thức được chúng bị công chứng, chứng thực sai thì có thể cấu thành tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341)", ông Tuấn phân tích.


Tuy nhiên, đối với các nạn nhân của Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu, luật sư Tuấn cho rằng chưa có đủ căn cứ cho thấy họ cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật, cũng như liệu họ có nhận thức được những giấy tờ, giao dịch này bị công chứng, chứng thực sai hay không. Vì vậy, nếu đem các giấy tờ đó đi sử dụng/giao dịch thì vẫn chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự những nạn nhân này.

Người lập văn phòng công chứng giả đối mặt bản án 7 năm tù

Ông Phan Vũ Tuấn chỉ ra khoản 2 Điều 74 luật Công chứng 2014 quy định: Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trước tiên, Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu (quận 9) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, nếu cơ sở này có hành vi không đăng ký hoạt động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và sử dụng quyết định thành lập văn phòng công chứng giả thì bị phạt tiền 10-20 triệu đồng, hủy bỏ quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng giả và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được.

Trường hợp văn phòng này có hành vi làm giả quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng có thể bị phạt 30 triệu đồng.

Người có hồ sơ bị công chứng giả cần làm gì?
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu là văn phòng giả. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Đối với công chứng viên thuộc tổ chức này, nếu có hành vi sử dụng thẻ công chứng viên giả thì có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng, hủy bỏ thẻ công chứng giả và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được.

Ngoài ra, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng quận 12 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội thuộc tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Theo Zing

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.09166 sec| 646.148 kb