Việc người lao động tạm nghỉ làm để tránh bão được xác định là trường hợp người lao động phải ngừng việc. Khi đó, việc thanh toán tiền lương trong thời gian ngừng việc sẽ được xem xét dựa trên quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Nếu ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng.
- Nếu ngừng việc do lỗi của người lao động, người đó không được trả lương. Trường hợp người lao động có lỗi khiến công ty phải ngừng việc, những người lao động khác sẽ được trả lương theo mức thỏa thuận với công ty nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
- Nếu ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc vì lý do kinh tế thì người lao động và công ty sẽ thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Mức thỏa thuận được tính cụ thể như sau:
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày trở xuống, tiền lương ngừng việc trong những ngày này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo quy định cũ, mức lương tối thiểu các vùng từ I tới IV lần lượt là 3,25 triệu; 3,64 triệu; 4,16 triệu và 4,68 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, lương tối thiểu vùng hiện được nâng lên ở các mức là 3,45 triệu; 3,86 triệu; 4,41 triệu và 4,96 triệu đồng mỗi tháng, tương đương mức lương theo giờ dao động từ 16.600 tới 23.800 đồng/giờ.
Trường hợp ngừng việc trên 14 ngày, tiền lương ngừng việc trong những ngày này phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu tiên.
Đối với tình huống phải nghỉ việc do bão, đây là trường hợp do yếu tố thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm... Do thời gian ngừng việc dự kiến dưới 14 ngày, mức lương người lao động được hưởng trong những ngày này sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi người lao động sinh sống.
Công ty không trả lương ngừng việc do bão cho người lao động sẽ bị phạt
Căn cứ theo khoản 2, Điều 17, Nghị định 12/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm quy định về tiền lương, người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định có thể bị phạt tiền theo các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài phạt tiền, người sử dụng lao động buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Mức phạt tiền nêu trên là mức là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.