Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022
Tăng lương hưu, xử phạt nếu không phân loại rác thải... là những chính sách có hiệu lực từ năm 2022.

Xả rác nhiều phải trả nhiều tiền

Từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển. Theo Nghị định 155 năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Ngoài ra, luật mới cũng quy định, giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải được phân loại. Như vậy, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền, theo Dân Trí.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022
Ảnh minh họa. Ảnh: VnEpress.

Vi phạm giao thông bị phạt đến 75 triệu đồng

Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đáng chú ý, luật mới sẽ tăng mức phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân.

Trong đó, lĩnh vực giao thông đường bộ, phòng chống tệ nạn tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng; lĩnh vực cơ yếu, giáo dục, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia tăng từ 50 triệu lên 75 triệu đồng; lĩnh vực điện lực tăng từ 50 triệu lên 100 triệu đồng; lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tăng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí tăng từ 100 triệu lên 250 triệu đồng; lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu lên 500 triệu đồng.

Ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu

Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, nếu ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt. Đáng lẽ quy định xử phạt sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo Nghị định 100 nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt cho đến hết ngày 31/12/2021.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022
Ảnh minh họa. VOV.VN.

Nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động

Từ ngày 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở xứ người, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đáng chú ý, luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.

Hộ nghèo có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng

Đây là nội dung tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế Quyết định 59/2015. Theo đó, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Trước đó, theo Quyết định 59/2015, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo.

Ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 1 triệu đồng, thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH

Theo Nghị định 108 của Chính phủ, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng lên 7,4% so với tháng 12/2021. Mức tăng này sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:

Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân Trí.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 có người lao động sẽ tăng lên so với năm 2021.

Tuổi nghỉ hưu năm 2022 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam. So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc ở điều kiện bình thường.

Vay ưu đãi tối đa 500 triệu để xây nhà

Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2015/TT-NHNN chính thức có hiệu lực với nhiều điều chỉnh liên quan đến chính sách vay vốn để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở xã hội chính thức có hiệu lực từ ngày 20/01/2022.

Theo đó, Thông tư quy định khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Trong khi đó trước kia, Thông tư 25 không ấn định mức vay tối đa của khách hàng khi có nhu cầu vay để xây mới, sửa chữa nhà ở.

Xăng điều chỉnh giá 10 ngày 1 lần

Theo Nghị định 95/2021 (sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu), từ ngày 2/1/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước mỗi tháng điều chỉnh 3 lần, tức 10 ngày một lần.

Thời gian điều hành giá xăng dầu tăng lên 3 lần một tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng), mỗi kỳ điều chỉnh giá cách nhau 10 ngày. Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Trước đây, Nghị định 83/2014 quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp , theo VnEpress.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24276 sec| 658.094 kb