Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 35/2024 /TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, Thông tư có nhiều điểm mới đáng chú ý liên quan đến giấy phép lái xe ô tô bị mất hoặc quá thời hạn sử dụng.
Cụ thể, theo Thông tư mới, Bộ GTVT cho phép người có giấy phép lái xe bị mất nhưng còn thời hạn sử dụng được xét cấp lại ngay mà không phải chờ xác minh. Việc cấp lại giấy phép lái xe bị mất được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Tuy nhiên, Bộ GTVT quy định, không cấp lại giấy phép lái xe đối với các trường hợp sau: giấy phép lái xe không có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe tại Cục Đường bộ Việt Nam, bảng kê danh sách cấp giấy phép lái xe (sổ quản lý); chưa cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, Ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước đây, người bị mất giấy phép lái xe cần phải chờ sau 2 tháng để sở GTVT tra cứu xem giấy phép lái xe có bị tạm giữ, bị tước hay không. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cần thời gian để tổng hợp các trường hợp bị tạm giữ, bị tước sau đó mới cập nhật lên dữ liệu và gửi sang ngành GTVT.
Hiện tại, công nghệ đã phát triển, lực lượng cảnh sát giao thông có thể cập nhật ngay vào dữ liệu xử lý vi phạm đối với các trường hợp bị tạm giữ hay bị tước giấy phép lái xe. Cơ quan cấp đổi sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu để kiểm tra và cấp lại giấy phép.
"Theo quy định mới, người bị mất GPLX còn thời hạn sẽ được cấp lại ngay mà không phải chờ xác minh. Quy định nhằm tháo gỡ đối với các trường hợp thật sự bị mất GPLX. Thời gian 2 tháng chờ đợi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, nhất tài xế kinh doanh vận tải", ông Thống thông tin thêm.
Đối với trường hợp giấy phép lái xe ô tô quá thời hạn sử dụng, người có giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết theo quy định. Giấy phép lái xe quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường trường.
Thông tư mới của Bộ GTVT cũng quy định, giấy phép lái xe thuộc những trường hợp này phải có tên trong hồ sơ của sở GTVT, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.
Từ ngày 1/1/2025, theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới, giấy phép lái xe có 15 hạng gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E, tăng 2 hạng so với luật hiện hành. Trong đó, hạng A1 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11kW. Hạng A cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 hoặc công suất động cơ trên 11kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1. Hạng B1 cấp cho người lái mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1. Với ô tô, giấy phép hạng B dành cho người lái xe đến 8 chỗ (không kể chỗ lái xe); ô tô tải và chuyên dùng đến 3,5 tấn.
Hạng B đã được gộp giữa bằng B1 (cấp cho không hành nghề lái xe đi ôtô đến 9 chỗ ngồi; xe tải dưới 3,5 tấn) và bằng B2 (cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe đến 9 chỗ ngồi; xe ôtô tải dưới 3,5 tấn). Giấy phép lái xe hạng C trước đây được tách thành C1 (dành cho lái xe 3,5-7,5 tấn) và C (trên 7,5 tấn). Hạng D trước đây được tách thành các hạng D1 (từ 8 đến 16 chỗ, không kể chỗ của lái xe) và D2 (từ 16 đến 29 chỗ), hạng D (trên 29 chỗ). Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg. Tương tự, các hạng C1E, CE, D1E, D2E, DE được cấp cho người lái các loại xe ô tô hạng C1, C, D1, D2, D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Luật mới kế thừa Luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn quy định, giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn; giấy phép hạng B và hạng C1 thời hạn 10 năm; giấy phép hạng C, D1, D2, D và các giấy phép lái xe rơ moóc chỉ 5 năm. Về độ tuổi được lái xe, Luật mới quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy (dung tích dưới 50cm3; động cơ điện không lớn hơn 4 kW); người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1. Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE; người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE; người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.
Khi người có giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực mà có nhu cầu đổi, cấp lại sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sau:
- Người có giấy phép hạng A1 (theo Luật Giao thông đường bộ 2008) được chuyển sang hạng A, song chỉ được điều khiển xe mô tô đến 175cm3 hoặc động cơ điện đến 14 kW. Hạng A2 được đổi sang hạng A; hạng A3 được đổi sang hạng B1.
- Người có giấy phép hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang hạng B, song chỉ được điều khiển ôtô số tự động; hạng B1, B2 được đổi sang hạng B và C1; hạng C được đổi cùng loại; hạng D được đổi, cấp lại sang hạng D2; hạng E được đổi, cấp lại sang hạng D; hạng FB2 được đổi, cấp lại sang C1E...