Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Pháp luật quy định như thế nào về hành vi chiếm đoạt tài sản và làm sao để đòi nợ đúng pháp luật?

Pháp luật quy định như thế nào về hành vi chiếm đoạt tài sản và làm sao để đòi nợ đúng pháp luật?
Từ vụ việc hơn 400 người trong một tổ chức đòi nợ “núp bóng” công ty luật ở TP.HCM bị điều tra, luật sư đưa ra các trường hợp có thể cấu thành tội Chiếm đoạt tài sản, đồng thời chỉ ra cách thức đòi nợ sao cho đúng quy định của pháp luật?

Thông tin từ VnExpress, chiều 18/4, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đã khởi tố 60 để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM), do bị can Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, cùng là Phó Giám đốc) cầm đầu. Theo đó, 415 người liên quan đến vụ án đều bị cấm xuất cảnh, riêng 400 người trực tiếp tham gia hành vi đòi nợ bằng nhiều thủ đoạn đang bị nghi có dấu hiệu phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. 

Đây là tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty luật; ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 6 ngân hàng và công ty tài chính. Nhận thông tin về các khách hàng chưa trả theo hợp đồng (nợ xấu) do đối tác chuyển đến, Châu và Hùng chia về các trưởng phòng, từ đây chuyển về các nhóm trưởng để giao cho từng thành viên đi đòi nợ. Các trưởng nhóm hướng dẫn nhân viên đòi nợ theo “tháp giải pháp” gồm 3 cấp độ. Cấp một là gọi chửi bới, đe dọa khách trả tiền; cấp hai là gọi điện thoại đe dọa giết người thân, ghép hình tung lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm; cuối cùng là mang quan tài đến nhà, cơ quan, tổ chức, đặt bình gas, xăng dọa cho nổ.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống Dịch vụ pháp lý Luật sư X cho biết: “Tình trạng con nợ vay, mượn tiền đã quá thời hạn trả nhưng vẫn chây ì không trả, cố tình lánh mặt chủ nợ rất phổ biến. Người vay tiền có thể vẫn ở nơi cư trú nhưng dùng mọi thủ đoạn để người cho vay không thể liên lạc được với mình như: Bỏ ra khỏi nhà, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, thay số điện thoại, thay đổi chỗ ở mà không thông báo cho người cho vay biết,… Đối với hành vi trốn nợ không trả có thể chia thành hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, người vay dùng thủ đoạn gian dối để có được số tiền, chẳng hạn như dùng lời nói hoặc hành động để lừa dối bên cho vay rồi sau khi đạt được mục đích thì bỏ trốn. Tức là, ngay từ đầu khi vay tiền, người này đã có mục đích chiếm đoạt số tiền đó một cách bất hợp pháp, thì theo quy định của pháp luật sẽ bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với mức phạt có thể là tù chung thân”.

Luật sư tiếp tục đưa quan điểm về trường hợp thứ hai, người vay tiền của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì sẽ có căn cứ để truy cứu trách nhiệm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mức phạt đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm tù giam, được quy định tại Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Một tình trạng cũng khá phổ biến hiện nay là người vay sử dụng số tiền vay không đúng mục đích ban đầu. Như vậy có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Luật sư An thông tin: “Người vay sử dụng tiền vay không đúng mục đích xin vay tiền như trong hợp đồng nhưng không sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp như buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy,… mà dùng để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại,… thì không bị coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp để xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp đến thời hạn trả lại số tiền đã vay mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản,…) thì sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của BLHS năm 2015”.

Pháp luật quy định như thế nào về hành vi chiếm đoạt tài sản và làm sao để đòi nợ đúng pháp luật?
Luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống Dịch vụ pháp lý Luật sư X.

Cũng theo Luật sư, khi đến hạn trả nợ nhưng bên vay chưa hoàn trả lại số tiền thì bên cho vay có quyền đòi lại số tài sản đó. Tuy nhiên, hành vi đòi nợ như các đối tượng “núp bóng” công ty luật ở trên là vi phạm pháp luật nghiêm trọng: “Tùy vào từng hành vi phạm tội, đối tượng sẽ phải chịu mức án tương ứng theo quy định pháp luật. Chẳng hạn, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 BLHS 2015 về tội Cưỡng đoạt tài sản, mức án có thể lên đến 20 năm tù. Bên cạnh đó, chiếu theo Điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), hành vi sử dụng lan truyền những thông tin, hình ảnh nhằm khủng bố, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị cấu thành tội Làm nhục người khác, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt lên đến 5 năm tù giam. Ngoài ra, đối với hành vi gọi điện, nhắn tin hoặc khủng bố nhằm chỉ trích người khác chiếm đoạt tài sản có thể bị khép về tội vu khống, theo Điều 156 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người phạm tội có thể đối mặt với mức xử phạt lên đến 7 năm tù, tùy theo mức độ vi phạm”.

Trong trường hợp có các hành vi tương tự như trên nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Vậy đòi nợ như thế nào để không vi phạm pháp luật? Luật sư An đưa ra ba giải pháp như sau: “Thứ nhất, để không vi phạm pháp luật, người cho vay không được thực hiện một trong các hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc bắt giữ người vay trái pháp luật để nhằm đòi nợ. Những hành vi này có thể dẫn đến việc bị xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội Đe doạ giết người (Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015), tội Xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), tội Gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS 2015). Thứ hai, nếu hết thời hạn cho vay mà bên vay vẫn chưa trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện lên tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Thứ ba, khi nhận thấy hành vi vay tiền của người đi vay có dấu hiệu của tội phạm như có hành vi gian dối để vay tiền sau đó bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người cho vay có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015) hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS 2015)”.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.22958 sec| 659.016 kb