Đáng chú ý, thông tư quy định về việc tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trên tuyến giao thông đường bộ.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm:
- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
Về quy định hóa trang, Cục trưởng Cục CSGT; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; trưởng phòng CSGT; trưởng Công an cấp huyện theo quy định quyết định việc mặc trang phục cảnh sát, mặc thường phục, hóa trang phương tiện khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Theo khoản 3 Điều 7 của thông tư, bộ phận cán bộ hoá trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong tổ CSGT phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phát hiện vi phạm, cán bộ hóa trang phải thông báo ngay cho bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì bộ phận hóa trang sử dụng giấy chứng minh Công an nhân dân để yêu cầu dừng phương tiện và thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Khi dừng xe, CSGT sẽ được kiểm tra các loại giấy tờ sau: Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan.
CSGT cũng có thể kiểm tra những giấy tờ trên nếu thông tin đã được tích hợp, cập nhật trong tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia.
Việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp loại giấy tờ đó.
Bên cạnh đó, Điều 11 của Thông tư quy định, trước khi tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng Cảnh sát giao thông phải phổ biến, quán triệt cho các tổ viên về nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát và những nội dung khác có liên quan.
Tổ trưởng phải kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; điểm danh quân số; kiểm tra trang phục; giấy chứng minh thư nhân dân (khi bố trí cán bộ hóa trang)… phát lệnh tiến hành tuần tra, kiểm soát khi các điều kiện đã bảo đảm đầy đủ theo yêu cầu và an toàn.
Các đơn vị, địa phương đã được trang bị ứng dụng VNeCSGT, thực hiện phát lệnh tiến hành tuần tra, kiểm soát trên ứng dụng VNeCSGT.
Thông tư 73/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.