Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Rẽ phải khi đèn đỏ trong trường hợp nào để không bị CSGT phạt?

Rẽ phải khi đèn đỏ trong trường hợp nào để không bị CSGT phạt?
Trong trường hợp đèn đỏ bật sáng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp có biển phụ hoặc đèn phụ báo được phép rẽ phải thì mới được phép rẽ phải hoặc nếu có người điều khiển giao thông thì phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về báo hiệu đường bộ bằng tín hiệu đèn giao thông như sau:

Tín hiệu đèn giao thông có ba màu:

- Tín hiệu xanh là được đi;

- Tín hiệu đỏ là cấm đi;

- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Có 5 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sẽ được phép rẽ phải khi đèn đỏ.

1. Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Cùng với đó, theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ cũng nêu rõ, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành loại hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đầu tiên.

Như vậy, khi đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải.

Rẽ phải khi đèn đỏ trong trường hợp nào để không bị CSGT phạt?
Có 5 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sẽ được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Ảnh minh họa

2. Có biển báo phụ cho rẽ phải

Biển báo phụ cho phép rẽ phải thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu. Khi gặp biển báo này người tham gia giao thông hoàn toàn có quyền rẽ phải.

Lưu ý, lúc này phải bật đèn xi nhan và nhường đường cho người đi bộ

3. Có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp kèm theo.

Đây là đèn tín hiệu phụ, được lắp cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường. Có mũi tên màu xanh (được phép rẽ) hoặc màu đỏ (không được phép rẽ).

Khi đèn tín hiệu mũi tên chuyển xanh, người điều khiển phương tiện sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng vẫn phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi.

4. Có vạch mắt võng

Theo Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT, vạch kẻ mắt võng có màu vàng, đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường.

Vạch này sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Trong khu vực vạch này mà có kèm mũi tên rẽ phải, các phương tiện bắt buộc phải rẽ phải, không được phép đi thẳng hoặc dừng đỗ.

5. Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.

Nếu có tiểu đảo phân luồng, người điều khiển phương tiện được phép rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.

Lưu ý: Phải bật xi nhan khi rẽ và nhường cho người đi bộ trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.

Vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), tùy vào loại phương tiện điều khiển mà hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng không đúng quy định) sẽ bị xử phạt như sau:

Đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, theo điểm a khoản 5 điều 5 (trước đây, bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng theo điểm b khoản 11 điều 5.

Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt tiền 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, theo điểm e khoản 4 điều 6 (trước đây, bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng theo điểm b khoản 10 điều 6.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, theo điểm đ khoản 5 điều 7 (trước đây, bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng theo điểm a khoản 10 điều 7.

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, theo điểm đ khoản 2 điều 8.

Theo Đời sống và Pháp luật

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23388 sec| 646.68 kb