Ai phải đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nguyên tắc đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 11 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, bao gồm: Đúng đối tượng, trình tự thủ tục, chế độ chính sách theo quy định của pháp luật; Thống nhất, công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân; Quản lý chặt chẽ, nắm chắc số lượng, chất lượng, nhân thân của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; Mọi thay đổi về cư trú của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải được đăng ký và quản lý theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm: Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên; Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đủ 18 tuổi trở lên.
Như vậy, công dân nam đủ 17 tuổi trở lên bắt buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự, công dân nữ có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đủ 18 tuổi trở lên được đăng ký nghĩa vụ quân sự tự nguyện.
3 trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự
Theo Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự
Đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bao gồm: Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
Công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự trong trường hợp sau đây:
- Chết;
- Hết độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị;
- Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 hoặc Điều 14 của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, bao gồm:
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
+ Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có xác nhận của cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức có công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định.
Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự
Căn cứ theo Điều 15 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau:
- Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân cư trú tại địa phương.
- Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở;
Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.