Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, đối tượng bị xử lý, thời hiệu xử lý, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt… Trong đó có quy định về vấn đề giảm, miễn tiền phạt.
Cụ thể, căn cứ điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc mà không có khả năng thi hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì có thể được xem xét miễn, giảm tiền phạt.
Trong trường hợp này, người bị phạt phải có đơn đề nghị miễn, giảm phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong năm ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị miễn, giảm biết; nếu không đồng ý với việc miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
Nếu Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định xử phạt thì UBND cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc miễn, giảm tiền phạt. Cá nhân được miễn, giảm tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định.
Như vậy, việc có được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông hay không là do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.