Tại buổi họp báo, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã đọc công bố lệnh của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về 7 Luật mới được thông qua.
Theo đó, các Luật đã được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm, luật Sở hữu trí tuệ; luật Quản lý thuế; luật Đầu tư công; luật Kiến trúc; luật Giáo dục; luật Phòng, chống tác hại rượu bia; luật Thi hành án hình sự.
Cũng tại cuộc họp báo, luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các phóng viên, báo đài.
Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường đã trình bày báo cáo tóm tắt về luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Luật này gồm 7 chương 36 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Cụ thể, luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế (đặc biệt là tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình…) thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống các tác động đến kinh tế, trật tự và an toàn xã hội.
“Việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc xây dựng Luật dựa trên các quan điểm:
Thứ nhất, ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; Giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra.
Thứ hai, phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra.
Thứ ba, thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; góp phần quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết (mục tiêu phát triển bền vững số 3.5 là giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).
Thứ tư, khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về Phòng chống tác hại rượu bia hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hoà với các lợi ích sức khoẻ cộng đồng.
Thứ năm, huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống tác hại rượu bia để bảo đảm thực hiện luật hiệu quả.
Thứ sáu, bảo đảm phù hợp, hài hòa với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nêu.Thứ trưởng bộ Y tế cũng cho biết luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, theo Luật này, các địa điểm không được uống rượu, bia, bao gồm 7 địa điểm. Đây là các địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đển chất lượng lao động, nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay về biện pháp giảm tác hại bao gồm: Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng, ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.
“Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo Luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của Luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia. Tuy nhiên, việc này có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5.5 độ, từ 5.5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia”, Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết thêm.
Tại buổi công bố Lệnh, trả lời báo chí về việc các quy định về “Đã uống rượu bia là không lái xe” như trong luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã nêu và quy định của luật Giao thông đường bộ về việc người tham gia giao thông vi phạm mức nồng độ cồn theo quy định mới bị xử lý, vậy cần có sự điều chỉnh như thế nào?, Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay: "Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc thực hiện biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham giao thông".
Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định của luật Giao thông đường bộ, luật Thương mại.