Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nâng mức phạt với hàng loạt lỗi, trong đó có 1 hành vi bị áp dụng số tiền phạt lên đến 150 triệu đồng mà chủ ô tô cần chú ý.

Theo Khoản 16 Điều 32 quy định xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, những hành vi dưới đây sẽ bị phạt tiền 65-75 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 130-150 triệu đồng (đối với tổ chức) là chủ ô tô, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô:
- Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 34 của Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 34 của Nghị định này.
Hành vi tại Điểm a Khoản 5 Điều 34 quy định cụ thể là: "Điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của đường bộ trên 50%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng".
- Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 8 Điều 21 của Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 8 Điều 21 của Nghị định này.
Hành vi tại Điểm a, Điểm b Khoản 8 Điều 21 quy định cụ thể là: "Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%;
Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%".
- Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Không chỉ ô tô, việc thay đổi kết cấu xe máy cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Việc tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng hoặc các đặc tính của xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức. Điều này giúp đảm bảo các phương tiện này vẫn giữ được các đặc tính an toàn ban đầu khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, hành vi thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe mô tô mà không đúng với chứng nhận đăng ký cũng sẽ bị xử phạt. Mức phạt đối với cá nhân vi phạm dao động từ 200.000 - 300.000 đồng, trong khi tổ chức có thể bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Với những quy định mới này, các chủ phương tiện cần đặc biệt chú ý khi có ý định thay đổi kết cấu hoặc màu sơn xe. Việc tuân thủ các quy định không chỉ giúp tránh bị xử phạt mà còn bảo đảm an toàn giao thông. Những vi phạm tưởng chừng nhỏ nhưng có thể khiến chủ xe đối diện với mức phạt lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát và quản lý phương tiện giao thông trên đường, góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và công bằng hơn cho tất cả người tham gia.
Theo Đời sống và Pháp luật