Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vụ 40 người Việt chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia: Mức án nào cho những kẻ môi giới vượt biên?

Vụ 40 người Việt chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia: Mức án nào cho những kẻ môi giới vượt biên?
Liên quan đến vụ 40 người Việt tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, Cơ quan điều tra đã xác định được 4 đường dây có dấu hiệu hoạt động tội phạm mua bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Vậy những kẻ môi giới vượt biên sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Mới đây, liên quan đến vụ 40 người Việt chạy thoát khỏi sòng bạc ở Campuchia, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, qua khai thác nhanh, có ít nhất 4 đường dây tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, xét thấy có dấu hiệu tội phạm mua bán người.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh An Giang, đơn vị đã Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với công an các tỉnh, thành có đường dây đưa người xuất cảnh trái phép nhằm tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây.

“Hiện Công an Campuchia đang phối hợp với Công an tỉnh An Giang cùng các ngành chức năng tỉnh hoàn thành các thủ tục trao trả 11 công dân còn lại qua đường ngoại giao. Lực lượng chức năng 2 nước sẽ phối hợp mở rộng điều tra các đường dây tổ chức đưa người khác xuất nhập cảnh trái phép”. - Đại tá Đinh Văn Nơi thông tin.

Vụ 40 người Việt chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia: Mức án nào cho những kẻ môi giới vượt biên?
40 người từ casino Campuchia trốn về Việt Nam được bố trí nghỉ tạm tại huyện An Phú, tỉnh An Giang (Ảnh: Báo Thanh Niên).

Bên cạnh đó, các sòng bạc này hầu hết do chủ là người Trung Quốc quản lý, trực tiếp điều hành. Dưới chủ sòng có rất nhiều tay chân sẵn sàng dùng roi điện, gậy sắt đánh đập nếu các lao động có dấu hiệu chống đối, làm việc không đạt chỉ tiêu.

Quá trình điều tra, đã có 2 bị khởi tố là Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi) đều trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. cho thấy, hoạt động tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép xảy ra khá lâu. Các đối tượng thường lợi dụng mạng để lôi kéo, dụ dỗ người nghèo đang cần việc làm với lời hứa "việc nhẹ, lương cao".

Trước vụ việc 40 người Việt tháo chạy khỏi sòng bạc, từng có hàng loạt vụ xuất cảnh trái phép sang Campuchia diễn ra ở nhiều các tỉnh, thành trên cả nước. Điểm chung của các vụ việc này là nạn nhân đều tin sẽ có “việc nhẹ, lương cao”, tin lời môi giới để vượt biên rồi sau đó bị ngược đãi, hành hạ, bóc lột.

Điển hình, ngày 10/2/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố đối tượng Nguyễn Văn Linh (SN 1987, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá) về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Theo đó, đầu năm 2020, thông qua các mối quan hệ quen biết, Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho 6 công dân đều ở thị xã Nghi Sơn vượt biên sang Campuchia lao động trái pháp luật. Tiếp đến, ngày 16/6/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Ngọc Chung (SN 2003, trú TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Trong thời gian làm việc tại casino ở Campuchia, Chung dùng facebook nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người quen, lôi kéo 4 nạn nhân.

Một vụ việc khác là ngày 3/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã quyết định tạm giữ 7 đối tượng để điều tra về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép gồm: Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi), Phạm Thanh Quy (33 tuổi), Lê Văn Lộc (24 tuổi), Huỳnh Văn Út (29 tuổi), đều có quê tại tỉnh Long An; Huỳnh Thanh Phong (42 tuổi), Chế Minh Nhật (42 tuổi) cùng quê tỉnh Tây Ninh và Vòng Phát Chương (36 tuổi, trú TP.HCM). Các đối tượng đã cấu kết với một số người ở nước ngoài tổ chức đưa người sang Campuchia lao động trái phép.

Có thể thấy rằng tội phạm môi giới đưa người sang nước ngoài trái phép với thủ đoạn hết sức tinh vi, bất chấp đạo đức. Mặt khác, các nạn nhân mắc bẫy đều do tâm lý cả tin, mong muốn được đổi đời. Theo Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ trong đó có tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về xuất nhập cảnh và hoạt động an toàn mạng. Bởi vậy, sẽ xác minh làm rõ sự việc và có thể sẽ khởi tố về nhiều tội danh.

Vụ 40 người Việt chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia: Mức án nào cho những kẻ môi giới vượt biên?
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trước tiên cơ quan điều tra sẽ làm rõ 40 nạn nhân đã sang Campuchia từ khi nào, ai là người đưa sang cùng danh tính của những người có liên quan. Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy có người đã thực hiện hành vi đưa người từ Việt Nam sang Campuchia làm việc là trái phép, vi phạm quy định về xuất cảnh (không khai báo hải quan, không có giấy tờ hợp lệ) thì cơ quan điều tra sẽ xử lý người môi giới, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự. Người thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ phải đối mặt với mức hình phạt thấp nhất là 01 năm tù, cao nhất là 15 năm tù theo quy định tại điều 348 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy có hành vi đưa người ra nước ngoài lao động để lấy tiền từ đối tượng nhận lao động thì sẽ khởi tố người này về tội Mua bán người theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là 05 năm tù, hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Đối với hành vi đánh đập, cưỡng bức lao động thì đây là hành vi hành hạ người khác, đối xử tàn ác với người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của người lao động. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác, theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự với mức chế tài có thể đến 03 năm tù. Còn trường hợp hành hạ, đánh đập người khác mà gây ra thương tích cho nạn nhân thì đối tượng thực hiện hành vi đánh người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân. 

Đối với hành vi sử dụng mạng , mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản, hành vi tổ chức đánh bạc trái phép, đưa thông tin trái phép trên mạng internet thì cũng có thể bị xử lý hình sự bởi các chế tài tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

“Đây là một vụ việc có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật xâm hại đến nhiều người, nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và Campuchia. Do đó, cơ quan điều tra của Việt Nam sẽ phối hợp với cảnh sát Campuchia để làm rõ vụ án này và hoàn toàn có thể áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật”. – luật sư Cường nhận định.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24221 sec| 667.203 kb