Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vai trò của công ty, văn phòng luật sư đối với các doanh nghiệp trong nước

Vai trò của công ty, văn phòng luật sư đối với các doanh nghiệp trong nước
Kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường kinh tế ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng thuận lợi để phát triển bền vững, bên cạnh đó là hàng loạt rủi ro, tranh chấp, phát sinh mâu thuẫn ảnh hưởng đến quyền lợi của từng doanh nghiệp. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, mỗi doanh nghiệp đều cần đến các văn phòng luật sư để được tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ mình trước pháp luật.

Vai trò của công ty, văn phòng luật sư đối với các doanh nghiệp trong nước
Vai trò của công ty, văn phòng đối với các doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ.

Doanh nghiệp (DN) là một chủ thể có sức ảnh hưởng lớn, việc thực hiện pháp luật của DN có những tác động mạnh mẽ đến các chủ thể khác trong và sự phát triển của kinh tế. Trước nền kinh tế đang vươn mình mạnh mẽ, thị trường kinh tế tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các công ty, tập đoàn trong nước đứng trước cơ hội phát triển, tuy nhiên vấn đề về pháp lý lại là một trong những rào cản lớn đối với họ.

Trên thực tế, không ít DN chịu thiệt hại lớn do nắm bắt không đầy đủ chính sách, quy định của pháp luật hiện hành, hay trở thành “nạn nhân” của những “khoảng trống” chính sách, đơn cử như tình trạng hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió không kịp vận hành thương mại trước thời hạn được hưởng cơ chế giá ưu đãi, chủ đầu tư đứng bên bờ vực phá sản…, hay rất nhiều DN trong quá trình hoạt động vi phạm quy định pháp luật bị xử phạt, buộc phải dừng hoạt động, người tẩy chay, mất đi uy tín, thương hiệu xây dựng bấy lâu trên thị trường. 

Lý do cũng bởi các công ty chưa tích cực chủ động tìm hiểu, thực hiện pháp luật kinh doanh nhất là trong các lĩnh vực pháp luật về thuế, môi trường và lao động. Đa phần khi xảy ra vấn đề bị thiệt hại, buộc xử phạt, tranh chấp thì chủ DN mới bồi dưỡng các kiến thức về pháp luật hoặc tìm đến sự giúp sức của các công ty luật. 

Ví dụ như ngày 15/10/2021, báo Công an Nhân dân đưa tin, Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng là một công ty hoạt động kinh doanh bất động sản với nhiều dự án lớn trên địa bàn phía Nam, nhưng Vạn Phát Hưng đã để xảy ra sai phạm, bị xử phạt hành chính 300 triệu đồng và buộc phải đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng.

Theo đó, Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng triển khai mua bán, kinh doanh bất động sản sai quy định. Cụ thể, Công ty này đã kí hợp đồng bán lô A3-05 thuộc dự án Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM theo hợp đồng ngày 25/8/2020 khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép đủ điều kiện được bán bất động sản hình thành trong tương lai. Và Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng bị áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần, bán nhiều nền đất có móng cọc khi chưa đủ điều kiện cho phép.

Hay như thông tin trên Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 5/7/2021, Tập đoàn Ecopark (Ecopark) đã có văn bản số 0507 gửi đến các cơ quan chức năng. Trong văn bản này, Ecopark đề nghị cơ quan chức năng giải quyết vụ việc sử dụng nhãn hiệu ECO PARK tại dự án Mũi Dinh Ecopark của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty cổ phần Crystal Bay.

Theo văn bản, Ecopark khẳng định doanh nghiệp này là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu "ECO PARK, Ecopark" từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty cổ phần Crystal Bay đã sử dụng cụm từ "Mũi Dinh Ecopark" cho dự án tại Ninh Thuận. Theo Tập đoàn Ecopark, hành vi sử dụng thương hiệu đã được bảo hộ là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh.

Theo báo Tài nguyên & Môi trường, ngày 21/12/2021, đoàn liên ngành gồm: Sở TN&MT, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Kon Rẫy, UBND xã Đăk Pne đã tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Gia Nghi đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phát điện tại công trình thủy điện Đăk Pô Ne 2AB (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) nhưng không có giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt do Bộ TN&MT cấp theo quy định.

UBND tỉnh Kon Tum quyết định xử phạt Công ty TNHH Gia Nghi số tiền 160 triệu đồng về hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phát điện nhưng không có giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

Ngày 5/1/2022, VietNamNet đưa tin, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, vào tháng 2/2021, dự án C-River View do Công ty CP C-Holdings làm chủ đầu tư bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và buộc công ty phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư dự án này không những không làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng mà vẫn tiếp tục xây dựng không phép tại dự án C-River View. 

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, hiện đơn vị đã đình chỉ thi công dự án và đang lập hồ sơ để xử lý Công ty CP C-Holdings theo tình tiết tăng nặng được quy định tại Nghị định số 139 về xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đó, sự hiểu biết một cách sâu sắc và vận dụng có hiệu quả công cụ pháp luật vào thực tiễn kinh doanh là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo DN an toàn trước mọi tình huống, và hơn thế là công cụ cạnh tranh, gia tăng sức mạnh của mỗi đơn vị trước các đối thủ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt một cách sâu sắc và vận dụng nhuần nhuyễn các quy định pháp luật vào thực tiễn kinh doanh của mình. Chính vì vậy, việc ra đời của những công ty luật uy tín trong vai trò pháp luật thường xuyên cho các doanh nghiệp trở lên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tư vấn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, tin cậy cho mọi hoạt động của mỗi DN. Theo đó, các công ty, văn phòng luật sư thực hiện chức năng tư vấn trên tất cả các lĩnh vực được pháp luật điều chỉnh, giúp các đơn vị, DN soạn thảo các văn bản pháp lý, hướng dẫn những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ khi thực hiện các giao dịch và cách xử sự theo đúng pháp luật.

Việc tư vấn pháp luật góp phần không nhỏ trong việc hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao sự hiểu biết pháp luật của những công ty, tập đoàn trên thương trường. 

Ngoài ra, tư vấn pháp luật còn cung cấp thông tin pháp luật, giải thích pháp luật cho DN và định hướng hành vi của DN trong những điều kiện, hoàn cảnh pháp luật đã dự liệu trước. Đây là khả năng của các văn phòng luật sư có thể nhìn thấy sự khác biệt giữa pháp luật với kinh tế-xã hội và hoạt động kinh doanh của công ty. Từ đó, họ sẽ đưa ra những lời khuyên pháp luật nhằm đem lại cho DN những lợi ích, phòng ngừa những tranh chấp và những rủi ro pháp lý khác trong quá trình kinh doanh của họ.

Trong kinh doanh, nhiều công ty chưa coi trọng yếu tố pháp luật, kinh doanh cần hướng tới mục tiêu lợi nhuận, nhưng quan trọng hơn phải bảo đảm an toàn pháp lý. Vì nếu DN kinh doanh trái pháp luật thì lợi nhuận có được sẽ bị pháp luật tước bỏ. Dẫn dắt các công ty, tập đoàn đi trong hành lang pháp lý an toàn là vai trò của các văn phòng luật sư. 

Những bài toán kinh doanh của DN luôn cần những ý kiến tư vấn của luật sư để bảo đảm tính hợp pháp, hiệu quả và an toàn. Bên cạnh đó, luật sư có thể tư vấn, đại diện để giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Nếu thiếu hiểu biết pháp luật hoặc hành xử theo ý chí chủ quan, cảm tính rất dễ dẫn đến hậu quả vi phạm pháp luật, không chỉ gây thiệt hại lớn cho DN mà đôi khi không thể cứu vãn được rủi ro đối với người và tài sản. Do đó, mỗi công ty kinh doanh cần có sự trợ giúp về mặt pháp lý thường xuyên của luật sư nội bộ hoặc các công ty luật, văn phòng luật sư để bảo đảm hoạt động đúng pháp luật và giải quyết những vấn đề pháp lý nảy sinh được nhanh chóng, tiện lợi.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38686 sec| 659.648 kb