Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

'AI' có đức tin hay không?

'AI' có đức tin hay không?
Bạn nghĩ gì, nếu như một ngày nào đó thế giới giao tiếp hằng ngày của bạn không phải là những con người thực, mà toàn người máy và “AI”?

Đó không còn là một thế giới trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, mà chính là thực của nhân loại, trong một tương lai không còn xa! Khi mà cuộc sống giống như cuộc sống của một người đàn ông yêu như trong phim Her phát hành năm 2013 của đạo diễn Spike Jonze. Bộ phim kể về một người đàn ông không yêu được bất cứ ai (những con người thực) mà lại đi yêu một “giọng nói” của một thiết bị nghe. Và anh ấy phát hiện ra, mình chỉ là một trong hàng ngàn “tình nhân” của “cô ta”. Đó là một kiểu “AI”, một trí tuệ nhân tạo.

Khi đời sống con người chìm ngập vào công nghệ, đến mức sự kết nối giữa con người với con người gần như bằng không, mà thay vào đó là sự kết nối giữa con người và công nghệ, một kiểu “vạn vật kết nối”. Điều đó có nói lên sự bất ổn của hiện hữu kiếp người? Nếu như vậy, thì bạn có thực sự “sống” hay không?...

Cuộc sống nhân loại ngày nay, với sự phát triển khoa học công nghệ thần tốc, gần như mỗi ngày đều có một phát kiến hay phát minh mới (trong góc nhìn toàn cầu) trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và nhiều trong số đó đã được ứng dụng vào đời sống, làm biến chuyển đời sống “thường hằng” của nhân loại với một tốc độ ngày càng nhanh. Con người càng về sau càng trải nghiệm sự bất ổn của đời sống (sự hiện hữu cá thể) ngày càng lớn.

Vào đúng năm bộ phim Her được phát hành, cũng là thời điểm tôi làm nhân viên phục vụ hơn 9 tháng ở một quán karaoke mới mở, quán sang trọng, đẹp. Và tôi được chứng kiến chuyện về một chàng trai có thể là phiên bản của nam chính trong phim Her. Đó là việc chàng trai ấy gần như không giao tiếp với ai, ngoài thế giới của chính mình. Trong 9 tháng đó, chàng trai chỉ đi ra ngoài ba lần, và ba lần đi ra ngoài đó là ba lần đi hớt tóc.

Tôi làm nhân viên ở đó, tối nào cũng gặp chàng trai, vì chàng phụ trách mảng kỹ thuật âm thanh của phòng karaoke. Chàng điều chỉnh âm thanh rất xuất sắc. Nhưng điều tôi muốn nói là sự khép kín trong thế giới của anh ấy. Chàng trai gần như “không giao tiếp” gì với thế giới bên ngoài, vì tất cả những nhu cầu mang tính cá nhân đã được đáp ứng đủ trong căn nhà đó.

Tôi câu chuyện này với một vài người, có cả người thân của tôi, trong những lúc trò chuyện thân tình, thì ý kiến tôi nhận được là sự “không bình thường” của chàng trai đó.

Tuy nhiên, với góc nhìn (mang nhiều trải nghiệm thực tế và cả tri thức khoa học thường thức mà tôi có tiếp cận) thì tôi thấy cuộc sống của anh ấy là bình thường. Bình thường được hiểu theo nghĩa là mỗi người đều có quyền sống theo cách mình muốn. Miễn cuộc sống đó hạnh phúc, và không ảnh hưởng gì đến ai. Vì thực tế cuộc sống, có nhiều lúc tôi cũng muốn rời xa hết tất cả các mối quan hệ, để được sống một mình, dù cô độc, nhưng tôi hạnh phúc với sự hiện hữu cô độc đó.

Trở lại với ý ban đầu, nếu một ngày nào đó cuộc sống của bạn chỉ có duy nhất bạn với thế giới của người máy, của “AI”, thì bạn sẽ nghĩ gì? Bạn có chịu được sự cô độc? Bạn có thực hạnh phúc? Bạn có thực là chính bạn?...

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta hay lên án những gì mang tính “khác” với cái chung, “lạ” với cái truyền thống, dù đôi khi cái “khác” và “lạ” đó không có gì là xấu cả!... Nhưng nếu giả sử, sự phát triển của nhân loại, đẩy con người ngày càng rời xa nhau, đến một lúc nào đó, tất cả chúng ta chỉ còn sống trong thế giới của riêng mình, thì đó có thể là một thảm họa!...

Thoát ly khỏi tự nhiên, con người trở thành loài có khả năng kiến tạo thực tại , thông qua trí tuệ và kỹ năng của mình. Nhưng một ngày nào đó, có một “loài” mới xuất hiện (do con người sáng tạo ra) có kỹ năng và trí tuệ vượt trội hơn con người gấp nhiều lần, thì chắc chắn con người sẽ rơi vào “thế yếu”, và nguy cơ trở thành “nô lệ”!...

Tuy nhiên, sự tồn tại của xã hội loài người, sự hiện hữu của kiếp người, đâu chỉ có kỹ năng và trí tuệ. Sự sống của nhân loại, luôn có và cần có một cái gì đó lớn hơn là trí tuệ và kỹ năng. Và chính điều đó làm cho loài người trở nên “người” hơn. Đó là chúng ta có đức tin. Chúng ta có (hoặc tin rằng mình có) linh hồn! Và liệu “AI” có điều này không?...

Một cỗ máy trí tuệ, dù kỹ năng thượng thừa, trí tuệ vượt trội, nhưng chắc chắn rằng chúng không thể nào có đức tin. Bởi, đức tin chỉ thuộc về con người! Và khi con người còn đức tin, thì con người còn sức mạnh để điều khiển (làm chủ) mọi thứ, trong đó có những cỗ máy trí tuệ. Chúng ta có đức tin, điều giúp chúng ta phân biệt được đúng hay sai, tốt hay xấu, đạo đức hay phi đạo đức!...

Và những cỗ máy trí tuệ, dù phát triển đến đâu, thì con người mãi vẫn là người làm chủ, việc tốt hay xấu của cỗ máy, nằm ở sự tốt hay xấu của con người! Như nhân vật chính trong bộ phim Her, nếu như anh ấy tìm được đức tin vào trong cuộc đời, vào con người, vào con người, thì chắc chắn anh ấy không bao giờ đi yêu một “giọng nói”. Chắc chắn vậy!...

Con người, với đức tin, dù công nghệ phát triển đến đâu, dù “AI” đạt đến tầng mức nào, cũng khó đạt đến được! Và chính đức tin là điều làm cho mỗi người “cảm thấy hạnh phúc”, điều mà không “AI” hay công nghệ nào có thể có, và thay thế được!...

Sau cùng, điều đáng lo không phải là “AI” có đức tin hay không. Mà khi con người đánh mất đi đức tin, đánh mất đi linh hồn mình, mới là điều đáng sợ!...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23347 sec| 645.625 kb