Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hiểm họa… chó

Hiểm họa… chó
Một tờ báo vừa đưa tin cục trưởng cục Thú y Việt Nam nói: Không nơi nào (trên thế giới) chết vì bệnh dại nhiều như ở Việt Nam.

Và họ đưa ra thống kê, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải tiêm phòng, tổn thất kinh tế gần 1.000 tỉ đồng. Trong vòng mười năm qua, có 887 ca tử vong vì dại. Và “Tỉ lệ chết do bệnh dại ở Tây Nguyên cao nhất cả nước”.

Đa phần ở nông thôn bây giờ, dân nuôi chó mèo tự phát, nuôi như một cách vừa để tự vệ, vừa tăng thu nhập. Chó mèo thì giữ nhà, bắt chuột, và khi cần thì bán, cũng là một khoản. Chưa kể, có công có việc, ngả con chó ra, giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Tây Nguyên lại càng thế. Có một điều lạ, người Tây Nguyên bản địa rất ít nuôi mèo, nhưng chó thì vô thiên lủng, trung bình mỗi nhà một con.

Hình ảnh thường thấy mỗi sáng ở dưới buôn làng là, sau khi ăn sáng xong thì vào rẫy, cả gia đình. Vợ địu con, chồng gùi đồ, và thế nào cũng có con chó lon ton chạy dẫn đường.

Và đa phần, những con chó này không được tiêm phòng. Nông thôn, việc tiêm phòng là... xa xỉ. Người có khi còn chưa tiêm phòng các loại bệnh thông thường, huống gì chó.

Và thế là... kệ nó, trời sinh trời chịu.

Hiểm họa… chó
Ảnh minh họa.

Hồi nhỏ nhà tôi sơ tán ở một làng của tỉnh Thanh Hóa, và cũng như thế, chó luôn được coi như là một thành viên trong gia đình, nhà ai cũng có.

Hàng năm tới mùa dịch (thường vào mùa hè) là dân quân đi diệt chó. Cả nhà tìm cách đi... giấu chó. Nhà tôi có con chó trắng, khôn như... chó. Thấy đoàn “triệt để diệt chó” tới là ấn đầu cu cậu vào cái ngăn xép chứa củi ở bếp, cu cậu nằm trong ấy im re, đoàn đi mới chui ra, chả như chó nhà hàng xóm, giấu nhưng nó cứ nhoi ra... sủa.

Hồi ấy đội diệt chó toàn dùng gậy, vài nhát là ông chó duỗi thẳng cẳng. Nhưng chỉ vài lần trong mùa, rồi thôi, nên có mấy ông bà, cán bộ xã hẳn hoi, chế cái câu “triệt để” thành triệt nhưng vẫn để!...

Có lần cả làng chứng kiến một ông bị lên cơn dại, khủng khiếp lắm, tru như chó, sợ nắng sợ gió, la hét một buổi thì chết. Nhưng chó vẫn còn. Nông thôn mà, con chó hết sức quan trọng, ngoài công dụng như tôi nói trên, nó còn chức năng vệ sinh em bé.

Em bé đi vệ sinh xong là ông chó phóc lên, ăn hết liếm sạch, thậm chí có nhà cho liếm cả mông em bé luôn, thay cho chùi hoặc rửa. Nông thôn mà lại chiến tranh nữa, đấy là chuyện thường.

Đầu những năm tám mươi thế kỷ trước, tôi lên Tây Nguyên nhận việc. Gần chục năm lăn lộn ở buôn làng, món tôi sợ nhất vẫn là... chó.

Công việc tiếp xúc với bà con đa phần phải làm ban đêm vì ban ngày bà con đi rẫy hết. Đường tối, nhà tối, mò mẫm đi, ông chó lao ra, chả sủa chả rằng, ngoạm nhoằng phát rồi biến, rách một mảng quần.

Rồi cứ hồi hộp chờ xem thế nào chứ hồi ấy cũng chả nghĩ sâu xa, vả cũng chả một chốc mà chạy lên phố được, để tiêm dù vợ tôi làm trung tâm y tế dự phòng.

Cũng chả biết con chó nào đã cắn mình để mà theo dõi.

Và té ra món chó ấy, tới giờ vẫn thế. Thậm chí phát triển hơn.

Ngày xưa người phố ít nuôi chó, nhưng giờ có điều kiện, nhiều nhà nuôi. Tất nhiên không phải nuôi chó cỏ, chỉ để làm thịt, mà nuôi chó cảnh, từ con bằng nắm tay tới con như con bê, từ con chó tưởng chỉ có lông tới con tưởng cũng chỉ có da. Cứ nghễu nghện ngoài đường, nhất là buổi sáng, người đi thể dục thì chó cũng thể dục, chỉ khác là chó còn tranh thủ... ị buổi sáng.

Tất nhiên chó ở phố bây giờ, ơn giời, đa phần các gia đình đã biết, đã sợ, đã lo, đều đã có tiêm phòng dịch, lại còn có sổ theo dõi sức khỏe hẳn hoi. Nó không còn là gia tài như một thời (cái thời cán bộ cả nước, nhất là Hà Nội, nuôi chó cảnh cho đẻ để bán, có ổ chó trị giá cả cây vàng. Hôm tôi đi với một nhóm các giáo sư đại học, có cả bác từng là hiệu trưởng, các bác ấy kể cái thời người ngủ đất để chó ngủ nệm, người quạt tay chó nằm máy lạnh, mỗi lần cho chó đi “tơ” là cả nhà hộ tống và hồi hộp, bởi nếu cú đi “tơ” thành công thì tức là chuẩn bị có cây vàng, là bán chó con ấy ạ) mà giờ nó biểu hiện sự... giàu sang, nhà có điều kiện, là cái thú chơi, và đã chơi thì rất yêu.

Nhưng nông thôn ấy, tiêm phòng vẫn ít. Ngày xưa tôi nhớ, tiêm phòng là miễn phí mà có khi còn không được hưởng ứng.

Thống kê tại Gia Lai nơi tôi đang sống “năm 2023 tỉnh này có số người tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước với 14 ca. Trong 3 tháng đầu năm 2024, tỉnh này có thêm 2 người tử vong tại các huyện Chư Sê và Đức Cơ. Các bệnh nhân tử vong đều chưa được điều trị dự o hướng dẫn của cơ quan y tế.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai, tỉnh này có tổng đàn chó mèo khá lớn, hơn 210.000 con. Tuy nhiên chủ yếu là nuôi thả rông, không có chuồng trại.

Người nuôi chó mèo cũng chưa quan tâm việc tiêm vắc xin phòng dại vật nuôi, dẫn tới tỉ lệ tiêm phòng rất thấp, chỉ đạt khoảng 19% tổng đàn. Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại vẫn còn hạn chế”- nguồn báo TT.

Tôi từng nuôi 2 con chó rất đẹp, một con chihuahua, một con Nhật xịn, như 2 cái nắm đấm. Chăm hơn chăm... con, tất nhiên có sổ theo dõi y tế, không chỉ tiêm phòng dại, mà còn giun sán, phổi gan, tai mũi họng, còn spa vân vân. Con gái mang cháu ngoại về gửi, nó chỉ yêu cầu một điều: ba có thể chọn cháu ngoại hoặc chó. Thế là tôi phải lên mạng thông báo cho chó. Tới mấy chục người đăng ký, tôi chọn mãi được hai người tin tưởng, đều hứa là... cho chó ngủ với người, yêu chó hơn yêu... vợ. Một người ở cùng thành phố, người kia cách 50 cây số. Cho rồi buồn ngơ ngẩn cả tháng, may rồi cháu ngoại nó kéo mình nguôi ngoai...

Thế nên quả là, cấm nuôi chó mèo là không thể, nhưng tuyên truyền để làm sao người nuôi chó mèo có ý thức bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Không chỉ phòng dại, mà rất nhiều vụ chó cắn người, những con chó to như con bê, từng cắn chết chủ.

Năm kia, ở Thanh Hóa, một con chó pitbull nặng xấp xỉ 50 cân cắn chết nữ chủ chó64 tuổi khi cho nó ăn. Trước đó, một người đàn ông ở Hà Nội dẫn đàn chó 4 con nhà mình, giống Doberman và Rottweiler đi... chơi, thực ra là đi thể dục và đi... vệ sinh, chơi đâu chưa thấy, cả đàn xúm vào cắn ông này thập tử nhất sinh, may chỗ ấy đông người, mỗi người một... gậy, cứu được ông chủ chó tả tơi như áo bù nhìn canh dưa...

Tôi hay đi bộ thể dục buổi sáng, sợ nhất những ông chó lừng lững xông lại hít hít, chỉ hít thôi, nhưng ai dám cam đoan là ổng không đè ngửa mình ra... Rất ít những con chó như thế được rọ mõm. Dẫu chó ấy đa phần là tiêm phòng dại rồi, nhưng, như năm nào đấy, một ông chó Pitbull cắn một cháu bé 28 tháng tuổi ở Khánh Hòa. Bố xông vào cứu con bị nó cắn rớt một đốt tay, cả 2 bố con phải nhập viện cấp cứu.

Năm trước đấy nữa thì ở Long An, một ông chó, cũng Pitbull, cắn chết tươi một người trong quán cà phê, tiện thể chơi luôn ông chủ nhập viện cấp cứu. Sợ nữa là giẫm phải... mìn chó. Những chủ chó rất vô trách nhiệm, dắt chó đi ị, và xong là bỏ đi, không quan tâm chiến trường, khiến người đi đường phải nhăm nhăm tránh...

Nên, đành rằng nuôi chó là cái thú, nhưng cứ nên là tuân thủ đúng luật... chó, để bảo đảm cho chính người nuôi tới người tai bay vạ...chó...

Mồm chó vó ngựa, các cụ đã dạy, cứ tránh cho lành.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.22597 sec| 649.57 kb