Đó không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy thực trạng đáng buồn là sự trong sáng của tiếng Việt đang dần bị “lăm le”, đe dọa.
Thời gian qua, đã diễn ra rất nhiều hội thảo về chủ đề tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở cấp độ và quy mô khác nhau. Tuy nhiên, sau mỗi hội thảo, dường như vẫn chưa tìm ra một giải pháp nào hữu hiệu.
Trong khi đó, ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng bị “méo mó” bởi những “sở thích” kỳ lạ. Trước tiên, phải kể đến, hiện tượng không ít người Việt đang mắc bệnh “sính ngoại” nên thường pha trộn vài từ tiếng Anh hay bất kỳ một loại ngoại ngữ nào lẫn vào tiếng Việt khi nói cũng như khi viết không đúng lúc, không đúng chỗ và không cần thiết.
Tiếp theo, chính là sự hình thành của những từ ngữ mới lạ mà phản cảm. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, nhiều từ ngữ được người dùng tự quy định, trở thành “tiếng lóng” một cách vộ tội vạ.
Chưa kể, một số cá nhân hay tổ chức nhân danh nghiên cứu khoa học, muốn cải tiến, thậm chí là muốn thay đổi cách viết tiếng Việt. Có thể kể đến bộ chữ “Việt Nam song song 4.0” đã từng khiến dư luận kịch liệt phản đối suốt hai năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, từ Hán - Việt cũng đang bị sử dụng thiếu chính xác, sai nghĩa hoặc bị lạm dụng một cách dư thừa.
Đáng tiếc, hiện nay, do mạng xã hội phát triển, độ tuổi tiếp cận với những từ ngữ đó trên mạng xã hội vốn cũng không được hạn chế. Có rất người dùng đang ở độ tuổi học sinh cũng bắt đầu có thói quen dùng những từ ngữ lạ đó. Điều này có thể khiến bản thân người đó sau này sẽ quen với những từ ngữ bị dùng sai đó, dần dần, sẽ không thể viết đúng chính tả, không thể viết đúng chuẩn tiếng Việt.
Thật nguy hại!
Trước những mối hiểm họa đó, các chuyên gia ngôn ngữ học cho rằng, cần thiết phải xây dựng luật ngôn ngữ (tiếng Việt). Lý do bởi, thiếu luật ngôn ngữ có tính quốc gia thì sẽ nảy sinh những hệ lụy. Tuy nhiên, khi nghiên cứu để xây dựng thì phải đi đúng hướng. Từ chuyện dạy chữ viết nước ngoài phải chuẩn hóa, dạy đánh vần phải chuẩn xác.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, không gì hiệu quả bằng sự góp sức của mỗi người.
Ngay từ những bài học “vỡ lòng”, chúng ta đã bắt đầu được học, được nghe về tiếng Việt - thứ “tiếng mẹ đẻ”, biểu trưng cho hồn cốt của dân tộc, có sức sống lâu bền trong tâm hồn, lối sống, tư duy của con người Việt Nam. Đó là tài sản quốc gia.
Như vậy, rõ ràng, giữ gìn và làm giàu tiếng Việt là trách nhiệm của toàn dân. Dù xã hội có phát triển đến đâu, khoa học công nghệ có thay đổi đến đâu, chúng ta cũng phải nhận thức sâu sắc và xác định không được làm “méo mó”, “lai căng” tiếng Việt trong quá trình sử dụng.
Lời dạy của Bác Hồ kính yêu vẫn luôn ở đó: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Bởi vậy, mỗi người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua giao tiếp hằng ngày, nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt để chúng ta luôn tự hào về chữ viết, tiếng nói của dân tộc.
Đối với những công trình nghiên cứu với hy vọng cải tiến chữ Quốc ngữ, dẫu sao đó cũng là những tâm huyết, chắt chiu nhọc nhằn suy nghĩ suốt nhiều ngày tháng của một bộ phận nào đó. Vì vậy, chúng ta cũng nên “tôn trọng”, đặc biệt, không dùng những lời lẽ công kích, dè bỉu, thậm chí nhục mạ các tác giả. Làm như vậy, cũng chẳng khác nào, chúng ta đang tự “bôi nhọ” lên thứ tiếng đẹp đẽ của chúng ta.
Tuy nhiên, “trân trọng” nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta dễ dãi trong việc tiếp nhận và tung hô vô căn cứ một đề xuất không khả thi.
Về phía các tác giả, cũng nên tỉnh táo hơn và nhìn nhận rõ vị trí của ý tưởng mà mình đang nung nấu. Chẳng hạn, khi bộ chữ “Việt Nam song song 4.0” được cục Bản quyền tác giả thuộc bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bản quyền, các tác giả lại tiếp tục nuôi hy vọng sẽ phổ biến quy tắc viết chữ đến giới trẻ, thậm chí, viết sách để hướng dẫn và đặt kỳ vọng sẽ có nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã có cái nhìn trực diện khiến không ít người phải “gật gù” tán thành: “Các tác giả phải hiểu rằng xác nhận bản quyền chứ không phải xác nhận giá trị khoa học”.
Hy vọng, các tác giả sẽ nhận ra giá trị thực sự những ý tưởng của mình đến đâu, để tránh lãng phí thêm thời gian, tiền bạc và công sức. Không phải cứ có ý tưởng thì sẽ đều hay và có ích!
Đó là với những ý tưởng mang “tầm cỡ” được gọi là đề xuất trong ngôn ngữ học, còn đối với những từ ngữ lạ xuất hiện nhan nhản, “tiếng lóng” xuất hiện tràn lan, vô tội vạ trên mạng xã hội... cũng mang theo những nguy cơ không hề kém.
Thật khó để cấm một người trẻ học theo. Bởi tâm lý của bất cứ người trẻ nào cũng thường bị ám ảnh bởi suy nghĩ “càng cấm, càng làm”.
Vậy nên, chỉ có thể trông mong vào ý thức chủ động “sản xuất vắc-xin” của giới trẻ trước sự tiếp nhận những từ ngữ thiếu trong sáng đó.
Hy vọng, bài học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trong sách giáo khoa Ngữ văn sẽ phần nào giúp những thế hệ tương lai tìm thấy điều đúng đắn.
Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức tự hào về di sản mà cha ông để lại, và chỉ trên cơ sở đó mới có khả năng phát triển và làm phong phú thêm di sản tinh thần của dân tộc.
Hay cụ thể như lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ sự trong sáng của tâm hồn người Việt!”.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!