Còn nhớ, cách đây chưa lâu, đối với bậc tiểu học, có các đề cho học sinh: Em hãy tả ông, bà, cha, mẹ...hoặc tả các con vật mà em yêu thích. Không ít học sinh đã làm bài thi, áp dụng máy móc của kết cấu trên. Từ việc mô tả: mở đề “Nhà em có một con mèo”, dẫn tới việc mô tả “Nhà em có một ông nội” ...v.v... trong những câu chuyện cười ra nước mắt.
Đã là ông thì phải có râu dài, tóc bạc, chống gậy... đã là bà thì phải còng lưng, ru cháu ngủ, kể chuyện cổ tích cho cháu nghe...v.v...
Hoặc mô tả cảnh thiên nhiên, thì trời phải xanh, lúa phải vàng, gió phải thổi nhè nhẹ, con đường đến trường quanh co, đầy hoa thơm cỏ lạ...
Việc tư duy mặc định trong việc định hướng học sinh học, ôn và làm bài thi theo kiểu kết cấu đóng khung như trên đã vô tình làm tổn hại sự sáng tạo của trò. Nếu như học sinh có cách tư duy khác, cách viết khác, kết cấu bài làm khác đi thì sẽ bị điểm kém.
Ngay cả đối với thi tốt nghiệp THCS, THPT, thậm chí cho học sinh giỏi Văn hiện nay cũng vậy, cũng có barem điểm cho từng phần rất cụ thể. Sự sáng tạo của thí sinh cho bài văn tự luận hay nghị luận cũng không được khuyến khích, vì barem điểm đã “đóng khung”. Nó phải đúng, phải khớp với barem, chứ không phải nó là lạ, có góc nhìn, cách tư duy độc đáo, sáng tạo.
Vì thế nó triệt tiêu cái hay, chỉ cần cái đúng.
Các bộ đề cho học sinh thi, cũng phải bám vào những tiêu chí chung, mặc định đóng khung như thế.
Từ văn mẫu trong nhà trường, khái niệm văn bản mẫu trong tư duy cá nhân cũng xuất hiện. Văn mẫu xuất hiện trong các kỳ thi, trong các cuộc thi mang tính quần chúng, đoàn thể. Dĩ nhiên là cả một tập thể làm bài...hưởng ứng phong trào viết theo chủ đề nhất định. Số bài tham gia theo kiểu phong trào này sẽ có phần trùng lặp không chỉ về những con số, mà còn trùng lặp về nội dung. Ví dụ tìm hiểu về lịch sử, nhân vật anh hùng...
Cuộc thi viết thư UPU hàng năm, tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, không ít Phòng giáo dục, các trường tổ chức cho học sinh tiểu học viết thư theo mẫu có sẵn, giống hệt nhau. Chính hoạt động có tính phong trào đuổi theo thành tích kiểu này đã khiến sự dối trá bắt đầu lên ngôi. Bắt trẻ em phải viết bài theo kiểu người lớn, tư duy già cỗi...dẫn tới việc triệt tiêu tính trung thực và sáng tạo của học sinh.
Mở rộng ra, từ văn mẫu, đến cách dạy mẫu, đề văn mẫu, cuối cùng là cả thành tích cũng...mẫu. Quá trình đó diễn ra trong hệ ý thức tư duy mẫu mặc định. Có nghĩa là bằng mọi giá, phải có thành tích khả thi ở mỗi trường. Và thành tích này lại quyết định danh hiệu thi đua của cá nhân, trong mỗi lớp, mỗi trường, mỗi phòng GD và mỗi Sở GD&ĐT.
Đó là hệ quả của cả một quá trình.
Thời gian qua, giáo viên dạy học sinh theo văn mẫu. Những bài văn mẫu, từ mô tả, tường thuật, cho đến phân tích nhân vật...lâu nay có kết cấu của mẫu: Mở bài, thân bài, kết luận. Trong thân bài, gồm các ý nhỏ để phục vụ cho yêu cầu của đề. Đối với bậc THPT, gần như có motip rất rõ, như mở bài, giới thiệu vấn đề, tầm quan trọng của vấn đề... Hay thân bài, triển khai các ý chính với các tiểu mục, dẫn chứng, luận cứ, luận chứng... Kết luận, tóm tắt và nâng cao vấn đề, khái quát vấn đề, phát biểu cảm tưởng của bản thân, liên hệ đời sống thực tế...
Chệch ra khỏi cách làm bài theo kiểu văn mẫu này, kết quả bài thi sẽ sẽ không được đánh giá cao. Cho dù học sinh có tư duy sáng tạo và cách viết mới.
Song song với SGK, hiện nay, chúng ta tìm không khó những cuốn sách phục vụ cho việc luyện thi và tuyển sinh vào đầu cấp và cuối cấp. Các NXB coi đây là thị trường béo bở, nên phát hành hàng trăm cuốn cho mỗi cấp học. Để bộ đề mẫu được chi tiết hơn, các NXB lại viết riêng, cụ thể từng nhân vật trong chương trình SGK để phục vụ cho thầy trò day, học theo phân phối chương trình và phục vụ cho thi, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT. Về mặt tích cực, sách bổ trợ giúp phong phú và mở rộng tri thức cho thầy và trò. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc coi đề văn mẫu, bài văn mẫu...là công cụ sống còn của việc thi cử thì sẽ dẫn tới dạy “tủ”, hên xui theo sự phán đoán của thầy.
Có thời, các lò luyện thi mọc lên như nấm sau mưa, cùng với thị trường sách tham khảo – văn mẫu sôi động đôi khi khiến học sinh như lạc vào mê trận của hàng mấy chục đầu sách gợi ý của thầy cô.
“Những bài văn hay” – là cái tên rất quen thuộc với học sinh khi lựa chọn cho mình công cụ để ôn thi. Khi chấm thi, giám khảo sẽ bắt gặp những cách viết na ná, quen quen...hay sự trùng lặp của những đoạn văn mà thí sinh đã “ngấm” vào mình một cách vô thức hay chủ động.
Có cầu ắt có cung, một giáo viên, có học hàm tiến sĩ cho biết, ông viết bộ đề cho học sinh tham khảo khi thi tốt nghiệp THPT vì học sinh khi đọc những bài văn trong cuốn sách, sẽ được học tổng hợp kiến thức, cách viết văn nghị luận...Còn học trên lớp, cưỡi ngựa xem hoa, những phần đọc thêm, trích đoạn, học sinh phải về nhà đọc và tự học.
Có ý kiến cho rằng, nếu thù lao cho việc biên soạn SGK là rất khiêm tốn, thì viết sách tham khảo như bộ đề, văn mẫu ...chẳng hạn...lại “rất ổn”. Việc chiết khấu cao cho phát hành tại các công ty phát hành sách và cơ sở giáo dục, khi giá sách đã bị đội lên, trừ triết khấu, thì thu về cũng là đáng kể. Đó chưa kể là việc tái bản, nếu thị trường cần.
Khi tác giả văn mẫu là các tên tuổi có uy tín, từ Giáo sư, Tiến sĩ đến giáo viên giỏi phổ thông... thì sách tham khảo, văn mẫu có sức thuyết phục lớn đối với các cơ sở giáo dục. Văn mẫu và sách tham khảo , vì lý do này vào thư viện với số lượng không hề nhỏ. Bên cạnh đó, văn mẫu được hợp thức hóa bằng tài liệu ôn tập mà các Sở giới thiệu hoặc biên soạn và xuất bản rồi bán cho học sinh cuối cấp từng năm học.
Và ngay trong đáp án của những kỳ thi quan trọng như tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ta cũng thấy bóng dáng của văn mẫu. Ở một số địa phương, khi chấm bài , có không ít giám khảo nhận biết bài học sinh khi nhận ra sự “quen quen” trong hành văn của học trò mình đã luyện thi.
Chương trình GDPT mới, SGK từ lớp 6 đã bắt đầu đổi mới cách dạy và học Văn. Đây là chương trình có nhiều điểm ưu việt, tích cực, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Theo đó, chương trình hướng đến việc phát huy năng lực học sinh, không còn việc đọc-chép. Điều này, hạn chế sự thụ động, học theo văn mẫu.
Nhiều giáo viên đã chuẩn bị tâm thế cho việc đổi thay này. Trau dồi kiến thức, tự học và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, các tổ chuyên môn ở trường và đội ngũ cốt cán của phòng Giáo dục cũng như của sở GD&ĐT cần có những buổi sinh hoạt chuyên môn, đưa ra những sáng kiến về việc phát huy tính chủ động linh hoạt trong dạy và học.
Đặc biệt, cần thay đổi các tiêu chí đánh giá thi đua, lấy việc học thật, thi thật làm triết lý giáo dục – để đưa vào đời sống giáo dục. Nếu vẫn còn loanh quanh với căn bệnh thành tích đã bám sâu trong bao năm nay, thì ngành giáo dục vẫn mãi trì trệ, và đường mòn lỗi cũ trong dạy-học và thi cử sẽ hiện hữu và có đất sống.
Một Hiệu trưởng trường Tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng, cần loại bỏ ngay đề mẫu, văn mẫu từ năm học này. Chương trình mới, cách dạy và học mới, thì việc ra đề và chấm thi cũng cần thay đổi một cách quyết liệt. Bắt đầu từ cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, từ các Vụ chuyên môn của bộ GD&ĐT, tới các cơ sở giáo dục ở các địa phương. Nếu không đồng bộ, thì việc trở lại những sáo mòn, lối cũ, văn mẫu, bộ đề... là chuyện tất yếu.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết