Trong số tiền những mạnh thường quân chung tay góp sức dồn được tới hơn 13 tỷ đồng đưa nghệ sĩ Hoài Linh chuyển tới người dân lũ lụt miền Trung có những con số rất nhỏ: 10.000, 20.000 đồng. Con số to thường gây ấn tượng nhưng con số nhỏ lại động lòng trắc ẩn hơn bao giờ.
Số tiền nhỏ ấy có thể là khẩu phần ăn sáng mà ai đó đã cắt lại, là thứ duy nhất nhà hảo tâm có trong tay lúc ấy hay những chắt chiu trong khả năng để dành cho người khó hơn mình? Gom góp ấy thực đúng theo nghĩa “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cảm động và đáng trân quý biết bao.
Vội vã chuyển đi những gì có thể, vội vã làm theo sự hối thúc của trái tim, những tấm lòng bồ tát hẳn mang theo tâm nguyện có thể xoa dịu nhanh nhất có thể, những thiếu thốn và khổ đau mà người dân gặp nạn trong cơn lũ dữ đang trải qua.
“Cứu người như cứu hỏa”. Nhìn những phận người, những ngôi nhà, những làng mạc bị nhấn chìm trong cơn bão lũ của khúc ruột miền Trung hồi tháng 10/2020 đủ hiểu khao khát được kịp thời chia sẻ khó khăn của những người làm từ thiện. Vậy nhưng sau nửa năm cơn bão dữ đã qua, số tiền ủng hộ vẫn nằm im lìm trong tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh, vẫn chưa đến được tay người cần giúp đỡ, là người thiện tâm, sao những người ủng hộ và dư luận lại không bức xúc, không giận dữ cho được chứ?!. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” cơ mà.
Dù cho có biện minh gì đi chăng nữa. Ốm đau, dịch bệnh hay lý do trắc trở nào thì Hoài Linh cũng khó có thể tìm được sự đồng cảm. Làm từ thiện là trao những thứ cần thiết vào đúng thời điểm người gặp nạn cần nhất chứ không phải đơn thuần chỉ là chuyện tặng quà.
Đã từng có rất nhiều vụ việc các cá nhân lợi dụng lòng trắc ẩn, lợi dụng khao khát thiện nguyện của nhiều người, kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, quyên góp được một khoản tiền lớn ủng hộ rồi “lặn mất tăm”. Đã có những câu chuyện đau lòng như vậy. Nhưng tôi tin nghệ sĩ Hoài Linh không trong trường hợp này.
Tôi tin toàn bộ số tiền các mạnh thường quân ủng hộ sẽ được chuyển đến tận tay của người dân, có xác nhận của chính quyền địa phương như một lời đảm bảo về sự minh bạch đúng như nghệ sĩ này khẳng định. Tiền ủng hộ sẽ đến đúng địa chỉ, có điều, chắc chắn không còn đúng thời điểm như mong muốn của người thiện nguyện nữa.
Chuyện người nổi tiếng như nghệ sĩ Hoài Linh dùng uy tín cá nhân hay các nhóm, tổ chức kêu gọi ủng hộ giúp đồng bào gặp nạn, giúp các hoàn cảnh khó khăn là chuyện rất đáng hoan nghênh, đáng ghi nhận.
Duy có điều, cùng với những “vết nhơ”, những “con sâu bỏ rầu nồi canh” trong việc chiếm đoạt tiền từ thiện ở những trường hợp khác, sự chậm trễ trao tiền từ thiện của Hoài Linh hẳn có thể sẽ khiến nhiều người trong chúng ta không khỏi giật mình nghi vấn: Liệu những đồng tiền mồ hôi nước mắt và khao khát thiện nguyện của mình có luôn được gửi gắm đúng người? Liệu có sai khi gửi cả vật chất và niềm tin của mình cho một ai đó mà không hề đặt câu hỏi về khả năng của họ trong việc dùng số tiền từ thiện ấy để cứu giúp người khác? Rằng những đòi hỏi về sự cam kết minh bạch, công khai trong chi tiêu cũng như thời gian triển khai hoạt động từ thiện có nên được đưa ra ngay từ đầu?.
Từ thiện là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Làm từ thiện đương nhiên phải xuất phát từ tâm. Nhưng để quản lý, điều tiết số tiền ủng hộ một cách chính xác, đúng người, đúng thời điểm nhất còn cần đến một tầm nhìn hay khả năng nhất định. Sự hiểu biết và hoạt động chuyên nghiệp của người tổ chức mới có thể đáp ứng được sự tin tưởng của những mạnh thường quân, những tấm lòng nhân ái cũng như gìn giữ được chính danh tiếng của mình.
Không phải ngẫu nhiên, ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động từ thiện dù là khởi nguồn từ ý tưởng của cá nhân hay tổ chức đều được gắn với một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, được cấp phép hoạt động. Các quỹ từ thiện này luôn có một hệ thống kiểm soát tài chính chặt chẽ, bài bản để điều hành mô hình hoạt động bền vững, hợp pháp. Và toàn bộ quá trình thu nhận tiền ủng hộ cho đến chi tiêu hay chuyển tới từng địa chỉ cần ủng hộ đều được báo cáo bằng văn bản rõ ràng và có sự giám sát chặt chẽ theo quy định của luật pháp.
Những lùm xùm của các nghệ sĩ trong việc làm từ thiện cùng những vụ trục lợi trong hoạt động từ thiện của các cá nhân, tổ chức những năm qua cho thấy, đã đến lúc cần xây dựng luật và thiết chế đủ mạnh để bảo vệ lợi ích của người đóng góp từ thiện và yêu cầu trách nhiệm minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ từ những người tổ chức thu, chi tiền từ thiện. Và cũng nên có bên thứ 3 để giám sát hoạt động này.
Được biết bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Dự thảo nghị định sẽ được trình Chính phủ ban hành trong tháng 6.
Hy vọng các thiết chế mới sẽ bảo vệ tốt hơn lòng tin của các mạnh thường quân và đưa hoạt động từ thiện tiếp tục là nguồn vốn xã hội khổng lồ và quý báu trong việc tương trợ lẫn nhau.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.