Bà là “gương điển hình” cho việc dùng mạng xã hội tấn công người khác. Bền bỉ, liên tục, có nghề, đâu ra đấy, bà kéo theo rất nhiều fan, có những người thề sống chết bảo vệ bà, như bà là thủ lĩnh tinh thần của họ, như bà là tối cao quyền uy của họ.
Bà kéo theo cả các luật sư, nhà báo, nhân viên của bà liên lụy. Mạng xã hội điên đảo giữa 2 phe, bảo vệ và công kích bà, cũng chửi nhau, cạnh khóe nhau, block nhau...
Đến bà Hằng, sự livestream trên mạng nó thật sự chuyên nghiệp, tiến một bước dài về phía “sao” mạng, khiến người ta, cả hai phía, phải hồi hộp, chờ đợi mỗi khi tới lịch livestream của bà...
Vụ án bà vừa xử xong, án tuyên chưa ráo mực, thì lại nhảy ra một anh đầu bếp.
Mục tiêu của anh này là các nhà báo, mức độ anh này thì kinh hơn bà Hằng dẫu anh chỉ viết trên facebook chứ không livestream, và anh ấy hoạt động một mình chứ không có ê kíp.
Ấy là anh ấy cho cánh nhà báo ăn những thứ anh ta thải ra, mà một đầu bếp, nghe nói cũng nổi tiếng, như anh ta, thì hiểu những thứ anh mời các nhà báo xơi nó như thế nào?
Tất nhiên cũng phải nói cho nó rạch ròi, nhà báo bây giờ cũng có người này người kia. Có những nhà báo rất tài, rất có tâm, thì cũng có những người giả làm nhà báo “đếm tầng”, lừa đảo, trấn lột.
Có những nhà báo uyên thâm thì cũng có những người viết còn sai chính tả, chưa sạch nước cản, chưa phân biệt nổi các thể loại báo, lẫn lộn tin với... xã luận. Có nhà báo âm thầm thì cũng có nhà báo dán thẻ lên kính xe cho oai... nhưng số ấy chỉ cá biệt. Và thi thoảng ta vẫn nghe bắt nhà báo này, thu thẻ nhà báo kia. Chạy trời không khỏi nắng, cái nghề chữ nghĩa nó hết sức khắc nghiệt, anh thế nào nó hiện hết ra chữ, ra cách sống, bạn đọc ngày càng tinh, họ biết hết.
Và vì thế, cái việc anh đầu bếp kia chửi nhà báo, dí cho nhà báo ăn những thứ mà anh ta và bạn bè anh ta... không dám ăn, rất đáng bị lên án, rất đáng bị xử lý.
Nhẽ thành khẩn xin lỗi, anh này bịa ra một giấc mơ, giấc mơ ấy là anh ta bị hack Facebook. Nhưng anh ta giấu đầu hở đuôi, bởi bị hack mà anh ta lấy lại rất nhanh. Và nữa, cái sự bịa ra bị hack ấy, anh ta viết bằng một giọng văn rất... đầu bếp, coi mọi người rất “mục hạ vô nhân”.
Nên tất nhiên anh ta sẽ bị trừng phạt.
Lâu nay rất nhiều người chơi mạng mà rất lơ mơ về mạng, lơ mơ cả về kỹ thuật và về văn hóa ứng xử mạng.
Lơ mơ về kỹ thuật thì anh/ chị ta gây phiền cho người khác, chuyển link virus, ít nhất là thế chẳng hạn, tới bị mất nick, bị bọn hack nick lợi dụng lừa đảo. Thì nhớ có thời người ta rầm rộ “tôi tuyên bố”, rồi “ông chú Viettel”, rồi ngày này nếu không làm này sẽ bị này vân vân...
Lơ mơ văn hóa ứng xử thì gây ra các hệ lụy ứng xử với bạn phây, rồi lan ra đời thực, nặng hơn bị chính quyền phạt, thậm chí truy tố.
Nhiều vụ đánh nhau ngoài đời là từ thách nhau trên mạng, từ cách ứng xử với nhau trên mạng, nhất là trong học sinh.
Lớn hơn thì là như bà Hằng và giờ là anh đầu bếp. Họ biến trang mạng của cá nhân họ thành chiến trường vô đối.
Được biết, hội nhà báo Tp.HCM đã chính thức có công văn gửi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý đầu bếp Võ Quốc. "Hội đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm hành vi chủ tài khoản Facebooker Vo Quoc xúc phạm báo chí với ngôn từ không thể chấp nhận được...", ông Nguyễn Tấn Phong, chủ tịch Hội Nhà Báo Tp.HCM cho biết.
Để thấy, chơi mạng xã hội cũng phải có sự hiểu biết nhất định, cũng phải “biết người biết ta”, biết phải biết trái, biết trên biết dưới và biết thế nào là... chơi mạng xã hội.
Một Facebooker viết về đầu bếp Vo Quoc: “Vo Quoc là một case sử dụng báo chí khá thành công. Chưa bao giờ Vo Quoc được đánh giá là đầu bếp có chuyên môn cao trong giới đầu bếp, ngoại trừ chuyện là con nuôi của cô C.V. Xong Vo Quoc khéo léo dùng báo chí, chương trình truyền hình trở thành KOL để nhận tiền booking của các nhãn hàng gia vị, ẩm thực. Sau đó quay lại tiếp tục nâng thương hiệu cá nhân lên qua báo chí. Nên chắc thêm một trường hợp nữa ngáo hào quang”.
Sử dụng báo chí đánh bóng mình đấy, làm lợi cho mình đấy, giúp mình thành công đấy, rồi quay lại chửi, ai qua nổi anh đầu bếp “nổi tiếng” này.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.