Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đâu là thông tin - Đâu là tri thức?

Đâu là thông tin - Đâu là tri thức?
Ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định vào 4/11/2021. Điều đó nói lên rằng, với sự phát triển của cuộc sống con người, trong diễn trình chung, tri thức ngày càng được coi trọng. Sách chính là phương tiện truyền tải tri thức hiện quả nhất.

Nhưng với sự dễ dàng tiếp cận thông tin như ngày nay, liệu đọc sách có còn cần thiết? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin khơi gợi đôi điều về sự khác biệt giữa thông tin và tri thức.

Trong dòng chảy thông tin dường như vô tận trên mạng internet và mạng ngày nay, bất cứ ai cũng có cơ hội tiếp xúc, nhưng bản thân thông tin chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống tri thức của nhân loại. Đôi khi, cái sự “hớt” thông tin nhiều trên nền tảng số, nhiều người cứ “ảo tưởng” về sự am tường, hoặc hiểu biết của mình. Nhưng kỳ thực, những tri thức chuyên sâu, kiến thức chuyên ngành, tri thức có hệ thống,… gần như không có một cách đầy đủ trên internet. Chúng ta không nên nhầm tưởng giữa thông tin và tri thức.

Mặc dù tri thức là sự hợp lý hóa thông tin, hệ thống hóa những thông tin, sự kiện, những “chi tiết tri thức” nhỏ. Nhưng để thông tin được hợp lý hóa, hệ thống hóa, người tiếp nhận thông tin cần có một nền tảng tri thức tốt. Muốn có được nền tảng tri thức tốt, chúng ta không thể không đọc sách.

Trong sự đọc sách ngày nay, bạn không thể hiểu máy móc là những cuốn sách giấy, mà còn có cả sách ebook, sách audio. Vậy nên, cái sự đọc sách ngày nay, phải là sự kết tụ, đan xen của nhiều dạng hình loại sách. Nhưng dù là dạng hình loại sách nào, thì bạn cũng phải đọc sách. Vì bạn không thể chỉ đọc tin tức, nghe thông tin, rồi bạn ảo tưởng về kiến thức của mình.

Đâu là thông tin - Đâu là tri thức?
Ảnh minh hoạ.

Ưu điểm của thông tin là nhanh, dễ tiếp nhận, dường như mọi đối được nghe/đọc đều có thể hiểu. Chính vì lẽ đó, nhiều người trong chúng ta thường chỉ thích xem tin tức, chứ ít khi nào chịu khó đọc sách. Bởi, để đọc sách, bạn cần phải có tri thức mang tính hệ thống, phải có kiến văn nhất định. Và theo quan sát của tôi, hình như đa phần người Việt đều thích đọc tin tức hơn là đọc sách!...

Chúng ta hay nghe tin tức, về mọi lĩnh vực của cuộc sống, và hớt cái ngọn thông tin đó, để trò chuyện (tán dóc) với nhau những điều vô thưởng vô phạt nhằm cho nhanh hết thời gian! Chúng ta không thực sự theo dõi tin tức một cách có chủ ý, về lĩnh vực mình quan tâm, để nạp thêm những thông tin bổ ích, nhằm làm giàu thêm tri thức cho mình, cũng như vận dụng những tri thức (thông tin) có được, vào trong thực tiễn.

Có lẽ góc nhìn của tôi là sai, nhưng việc tiếp xúc với rất nhiều người, trong cuộc sống thực tế của mình, tôi lại bắt gặp “tình trạng ít đọc sách” là gần như phổ biến. Cái sự đọc ít ở đây, là cả ba loại hình sách giấy, sách ebook, và sách audio.

Giống như anh bạn lái taxi thân thiết với tôi, mỗi ngày anh đều nghe tin tức khắp năm châu bốn bể, nên mỗi lần tôi gặp, hình như tôi nói về chủ đề gì anh cũng “lên tiếng” được cả. Nhưng cái sự trò chuyện của anh ấy, chỉ là những mảng hiểu biết mang tính “biết để biết”, “biết chỉ biết” vậy thôi. Anh ấy không thể nào lý giải được vấn đề một cách thực sự thuyết phục, không thể trả lời được đâu là mấu chốt của một sự kiện. Và đương nhiên, chuyên môn của anh ấy là lái xe, thì anh ấy đâu cần phải trả lời những câu hỏi có chiều sâu, điều mà tôi đã tra vấn anh!

Tôi kể câu chuyện về người tài xế taxi, là bởi vì tính chất công việc của người ấy. Một nghề tiếp cận (cập nhật) thông tin dường như thường xuyên và số lượng lớn. Để phân định sự khác biệt giữa thông tin và tri thức.

Đơn cử như, anh ấy biết tên hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nhưng anh ấy không biết tí gì về văn chương của những nhà văn, nhà thơ đó. Anh ấy biết rất nhiều thông tin về những , đạo diễn, nhưng anh ấy không biết gì về những tác phẩm của họ. Anh ấy biết về những vụ mùa thất bại của bà con nuôi trồng thủy sản, nhưng anh ấy không am hiểu về tính chất đặc thù nghề nghiệp đó. Anh ấy biết nhiều về những người thành công hay thất bại trong kinh doanh, nhưng anh ấy không phải là một doanh nhân, anh ấy không hiểu về kinh doanh và thương mại, cũng như lĩnh vực mà người khác kinh doanh! Anh ấy biết rất nhiều thứ, nhưng anh ấy không biết gì cả!...

Cũng có thể, rất nhiều người trong chúng ta, đều là những người “tiêu thụ thông tin” một cách chủ động và thụ động. Và rất nhiều người trong chúng ta, không phân biệt được đâu là thông tin, đâu là tri thức.

Với sự phát triển công nghệ như vũ bão, nền kinh tế của thế giới đang chuyển dịch sang kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, trên bình diện toàn cầu. Việc không phân định được đâu là thông tin, đâu là tri thức, sẽ là một rào cản rất lớn để Việt Nam hội nhập sâu và rộng, vào cộng đồng quốc tế. Bởi một lẽ giản đơn, chúng ta không thể sáng tạo (những phát minh mang tính tri thức, khoa học) được, nếu như chúng ta không có nền tảng tri thức.

Chúng ta không thể như anh tài xế kia, mặc dù biết đủ mọi thông tin khắp nơi, nhưng nghề mà anh ấy làm đơn cử là lái xe. Câu hỏi đặt ra là: Nếu như một ngày nào đó anh không còn cơ hội để làm nghề lái xe nữa, anh sẽ làm gì? Và câu hỏi lớn hơn: Anh chỉ làm một người lái xe đến hết đời hay sao? Đương nhiên, câu trả lời tôi nhận được là không biết.

Với sự ra đời của Ngày sách Việt Nam, nói lên một thực tế, rằng xã hội Việt Nam cần phải nâng cao vai trò của sự đọc (đọc sách). Chỉ có sách mới mang đến cho chúng ta những tri thức vừa rộng vừa sâu. Dù bạn là ai, làm gì, bạn không thể không am tường sâu và rộng trong lĩnh vực mình theo đuổi. Mà muốn có sự am tường đó, không thể không đọc sách (nâng cao tri thức). Nghĩa là, bạn không thể chỉ suốt ngày xem thông tin (không có nhiều giá trị tri thức)!...

Và hiểu theo một chiều kích nào đó, đọc sách là việc làm rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Điều không thể thay thế được, dù bạn có cơ hội tiếp cận hàng tỷ thông tin, mỗi ngày.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23689 sec| 646.656 kb