Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hãy yêu nước như tinh thần đẹp của môn 'thể thao vua'

Hãy yêu nước như tinh thần đẹp của môn 'thể thao vua'
Sau mỗi trận bóng, nhiều cổ động viên quá khích lại “gây hấn” trên mạng xã hội với hành xử kém văn minh. Được lợi gì khi làm vậy? Hãy yêu nước một cách văn minh.

Một lần nữa, cộng đồng mạng lại khiến hình ảnh văn hóa ứng xử trên mạng tại Việt Nam trở nên xấu xí. Cụ thể, không ít cư dân mạng đã tỏ ra rất bức xúc với cách điều hành trận đấu của trọng tài chính bắt trận đội tuyển Việt Nam đối đầu với Indonesia ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 vào khuya 7/6.

Theo đó, mặc dù đội tuyển Việt Nam đã mang về chiến thắng vẻ vang, nhưng cư dân mạng vẫn tỏ ra rất bức xúc với cách điều hành trận đấu “giơ cao đánh khẽ” của người “cầm trịch” - trọng tài chính Ahmad Aladi - trong nhiều tình huống phạm lỗi.

Không ít cổ động viên đã lựa chọn cách “tấn công” cá nhân vị trọng tài này trên trang của ông. Trong bài đăng gần nhất của Ahmad Alali, có hơn 10.000 người phẫn nộ, trên 16.000 lượt bình luận chỉ trích.

Một số cổ động viên “quá khích” thậm chí còn xúc phạm đến tôn giáo, cụ thể là đạo Hồi của vị trọng tài, ngoài ra, còn xúc phạm vị trọng tài này về mặt quốc tịch, dùng nhiều từ ngữ rất thô thiển, khó chấp nhận.

Hãy yêu nước như tinh thần đẹp của môn 'thể thao vua'
Xin hãy là những cổ động viên chân chính, cư xử đẹp như tinh thần vốn có của môn “thể thao vua”. Ảnh minh họa 

Hiện nay, đang là phương tiện truyền thông, phổ biến được nhiều người ưa thích, sử dụng. Bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng xã hội cũng nảy sinh không ít vấn đề, mà không thể không kể đến đó là ứng xử thiếu văn hóa, coi không gian ảo này là “nhà” của mình, thích phát ngôn như thế nào cũng được mà không chịu trách nhiệm.

Theo thống kê năm 2020, Việt Nam có trên 60% dân số sử dụng mạng xã hội thường xuyên. Việc sử dụng các trang mạng xã hội trên Internet cũng đã trở nên thông dụng ở nhiều độ tuổi, , nhất là ở giới trẻ.

Song, một thông tin thực sự đáng buồn là Việt Nam bị xếp vào “top” những nước có hành xử kém văn minh trên Internet. Chắc hẳn, chúng ta vẫn chưa thể quên được, theo khảo sát được công bố của Microsoft trong năm 2020, Việt Nam nằm trong “top 5” quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Và mặc dù kết quả khảo sát này không hề đẹp đối với hình ảnh cộng đồng mạng Việt Nam nhưng lại có đến 87% đồng tình (số liệu khảo sát trên Zing.vn).

Và câu chuyện “tấn công” cá nhân trọng tài sau trận bóng như đã nêu ở trên, thật đáng tiếc, lại không phải mới xuất hiện lần đầu tiên. Sau mỗi trận cầu “nảy lửa”, dù Việt Nam thắng hay thua, dường như những trọng tài được giao trọng trách vẫn không thể “làm vừa lòng” hết tất cả, cư dân mạng lại lấy vin vào rất nhiều cớ để công khai chỉ trích với những lời lẽ khiếm nhã, thậm chí cố tình cắt ghép và bêu xấu hình ảnh, hay trầm trọng hơn là mạt sát, xúc phạm... Điều này mang lại lợi ích gì cho dân tộc, cho quốc gia? Hay chỉ là sự a-dua theo thói xấu, bản năng muốn công kích người khác, thấy người ta phải khóa tương tác, hay thậm chí khóa tài khoản Facebook... là hả hê, vui sướng?!

Chính cách cư xử này của cộng đồng mạng đã khiến hình ảnh chúng ta trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Hiện nay, cộng đồng mạng thế giới đã tỏ ra không hài lòng với hành động này của các cổ động viên Việt Nam “quá khích”.

Thử tưởng tượng, với lối hành xử thiếu kiểm soát và vô trách nhiệm như vậy trên mạng xã hội, rất có thể, hệ lụy là đến một ngày, các vị trọng tài đều rất “ngại” khi phải đứng ra “cầm cân nảy mực” ở các trận đấu có Việt Nam tham dự?

Thật đáng tiếc, nếu sau một trận bóng với chiến thắng vẻ vang, bạn bè quốc tế lại không hề nhớ đến những bàn thắng đẹp mắt mà lại “ám ảnh” với những cư xử khiếm nhã, thậm chí, có phần thô tục trên mạng xã hội.

Xin hãy là những cổ động viên chân chính, cư xử đẹp như tinh thần vốn có của môn “thể thao vua”.

Yêu nước là tốt nhưng xin hãy yêu nước một cách văn minh!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 1 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36374 sec| 633.82 kb