Hôm kia, Tổng bí thư Tô Lâm vừa thay mặt bộ chính trị ký nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, khẳng định "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc"...
Hôm nay tôi lẩn mẩn soạn cái tủ tài liệu, rơi ra những vật dụng làm báo đời... đầu.
Mới đó, mà như đã cả thế kỷ. Mấy cái thẻ nhà báo, cứ 5 năm lại cấp lại, tôi có 4, 5 cái chi đó, cái máy ảnh Pratika, hồi ấy cũng xịn, nặng trịch. Cái máy ghi âm Sony, cũng loại xịn khi ấy, bỏ vừa gọn trong cái túi áo ký giả rộng thùng thình...
Và đặc biệt là hàng chục cuốn sổ.
Và cũng khai thật, là giờ, tôi không thể nào dịch ra những chữ tôi đã viết thời ấy. Phần vì nó nhòe, phần nữa, viết tháu, viết bằng ký hiệu, trong ngữ cảnh cụ thể thì có thể dịch ra, chứ giờ thì chịu.
Tôi từng tự hào là một trong những người cầm bút sớm "công nghệ hóa", biết dùng máy tính gõ chữ ngay từ đời đầu. Cái thời đánh máy vi tính trên con vi tính cổ lỗ rồi cop vào cái đĩa A vuông vuông đen đen, cho vào cái túi ngực áo trắng, phóng xe trên đường, cứ có cảm giác cả thế giới nhìn vào cái... túi áo của mình.
Chưa hết, trước khi cho đĩa vào túi áo còn cẩn thận sập cửa sổ lại không sợ bị... virus tấn công. Phóng ra tiệm, thuê in ra rồi lại đi tiếp tới tiệm fax, fax ra báo Hà Nội còn tốn tiền điện ra nhắc... lấy fax.
Sau có anh bạn cài trực tiếp fax vào máy tính cho, qua điện thoại, 1260 với 1261 chi đó, mỗi tháng nhân viên bưu điện tới nhà thu tiền điện thoại là mặt như chàm đổ, vì tiền cá quá tiền cơm, tiền điện thoại gấp nhiều lần nhuận bút. Đa phần hẹn nhân viên bưu điện: Để anh ra tận nơi trả, các em đừng tới nhà, vợ anh bị bệnh... tim.
Tới giờ, thi thoảng có dịp "tác nghiệp" với các bạn trẻ, thấy các bạn sử dụng công nghệ thì mình lại thèm.
Nó cũng như mới sáng nay, có anh bạn tặng cái camera hành trình cho ô tô, loay hoay mãi với cái pass Icloud thì thấy mình lạc hậu quá rồi.
Cũng sáng nay có một bạn nhắc, tôi từng đùa một vị lãnh đạo là, khi tôi hỏi địa chỉ email để gửi công văn thì vị ấy bảo: sáng tôi đã đã để ra bàn rồi, mà lại quên không xách đi theo, thôi có gì anh cứ mail về địa chỉ nhà riêng: Nguyễn Văn A, 154/7 Lê Lợi, đường BCD, thành phố P. Nói đùa nhưng cũng không khác sự thật bao nhiêu.
Và quả là, tới bây giờ, với những gì đang xảy ra, đang hiện diện, công nghệ thông tin với chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược. Không theo kịp là tụt hậu, không chỉ tụt hậu đói nghèo như ngày xưa, mà là tụt hậu nguy hiểm, biến mình thành ốc đảo, thành lỗ đen.
Nhiều người đọc/ nghe nghị quyết thì rất mừng.
Thực ra từ năm 2014, Bộ Chính Trị đã có nghị quyết về "Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế" rồi, và đã tổng kết 10 năm thực hiện rồi.
Lần này quyết liệt hơn, cụ thể hơn.
Và đặc biệt, có thời gian, hạn định rõ ràng.
Tất nhiên, những chuyện tôi kể vui, ký ức lại ở trên, nó đã trở thành chuyện năm nẳm rồi, giờ là chuyện khác, những việc, những đầu mối, những công trình tầm cỡ, để cả dân tộc "bước vào kỷ nguyên mới". Phương tiện để bước vào kỷ nguyên ấy không thể thiếu món công nghệ, nó chính là đôi cánh, là phương tiện để chúng ta hòa nhập thế giới.
Thì các nhà báo, xưa lỉnh kỉnh đồ nghề, giờ chỉ một cái điện thoại thông minh cũng có thể trở thành tòa soạn, nhất là các "nhà báo công dân", những facebooker, tiktoker... họ sản xuất rồi xuất bản cả chương trình chỉ trong một nốt nhạc. Còn báo chí chính thống, với tòa soạn hội tụ, họ cũng nâng mình lên rất nhiều để theo kịp đời sống.
Lớn hơn, rộng hơn, là chính phủ điện tử, chính quyền số, mọi việc sẽ ro ro hơn, thông thoáng hơn.
Và đấy chính là đề để tinh giản, tinh gọn bộ máy.
Có trợ lý ảo, có AI, từng người có thêm bên mình cả một sư đoàn thông tin giúp việc ngay tức khắc.
Tất nhiên, từng cá nhân trong xã hội, nhất là các công chức viên chức nhà nước phải tự nâng mình lên rất nhiều, kể cả để... thụ hưởng.
Và vẫn có những thứ AI không thể thay con người, như... tình yêu chẳng hạn, dẫu người ta có thể sản xuất ra những robot như người thật, có thể đáp ứng mọi như cầu cảm xúc của con người, nhưng tôi không tin, cảm xúc của AI lại có thể giống cảm xúc con người.
Cũng như thế, giờ, khá nhiều người đang thử lệnh cho AI sáng tác, thấy cũng trơn tru phết, nhưng vẫn thiếu cái phập phồng, cái nghẹt thở, cái rưng rưng... trong từng trạng huống cảm xúc.
Tôi vừa được anh bạn nhà báo gửi tặng một bài hát do AI sáng tác về... tôi. Nghe, ngơ ngác, sao mày giỏi quá, nhưng rồi cũng phải bật cười nghiêng ngả vì chất giễu nhại nó rõ quá, tính cường điệu, những lối mòn, những phô diễn khiến mình thấy nó trơn tru quá, nó trơn tuột, không có điểm nhấn cảm xúc, không khiến mình rung động vân vân...
Ơ nhưng mà biết đâu, vài mươi năm nữa, đấy lại là dòng cảm xúc chủ lưu của nghệ thuật đương đại khi ấy.
Không thể khác, con đường phát triển của đất nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những ứng dụng công nghệ trong đời sống. Chúng ta tin tưởng và hy vọng vào sự đột phá ấy, dẫu nghị quyết cũng chỉ rõ: "Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và Nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Tất nhiên ai cũng biết, không thể ngồi mà trông chờ, mà từng người phải vận động để hòa nhập. Mà cái vận động đầu tiên là phải... học. Tôi cũng đang học dẫu tưởng mình đã hết tuổi học rồi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Văn Công Hùng/Người Đưa tin