Cái vỏ của hôn nhân
Vẫn biết ngoài kia có những người kết hôn chỉ để "che mắt thiên hạ". Hay cả những người cưới vợ chỉ để có người đẻ con, cưới chồng chỉ để có người chu cấp tài chính. Nhưng bao nhiêu cặp đôi cưới nhau vì muốn có một cuộc hôn nhân với người họ yêu thương vậy mà kết hôn dăm năm, mục đích hôn nhân không hoàn thành nổi.
Họ chọn ở lại thay vì ly dị vì đủ mọi lý do. Nhiều nhất là… vì con. Có người thì vì con còn nhỏ quá. Lại có người vì con cần một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Có người vì sợ con… xấu hổ nếu cha mẹ ly dị. Nên điệp khúc "vì con" nhiều khi tặc lưỡi đến lúc… cha mẹ lìa trần.
Vì con không sai, bởi với nhiều người, con cái là tất cả đời họ. Phần đông cũng bởi tài chính của họ không đủ để nuôi con nên cần người cha "góp vốn". Ly dị khi đó trở thành thảm hoạ tài chính. Nhưng vẫn có những người lo được tài chính nuôi con mà không ly dị vì không cam tâm dứt con ra khỏi cái vỏ bọc "gia đình".
Cũng có người vì sĩ diện của chính mình, vì mặt mũi của cha mẹ. Cái "án" ly hôn nhiều khi còn nặng lắm. Nhiều người nói với tôi rằng, ngoài kia người ta vẫn đối xử phân biệt và định kiến với phụ nữ đã ly hôn. Nên họ chẳng vượt qua được miệng lưỡi người đời. Nên nhiều phụ nữ sau ly hôn chẳng dám quay về nhà cha mẹ đẻ. Nếu chịu được, họ chọn ở lại thay vì dứt áo ra đi.
Cái vỏ của hôn nhân nhiều khi hào nhoáng và cứng đến độ có người bị đối xử không ra gì cũng không dám đập bỏ, tách vỏ mà bước ra. Tôi đã từng bất ngờ khi gặp những người phụ nữ vẻ mặt viên mãn, nói về chồng toàn những mỹ từ, nói về hôn nhân của mình đủ đầy và rạng rỡ.
Cho đến khi tôi gặp chồng cô ấy đi với một phụ nữ khác một cách công khai. Cho đến khi thân thiết hơn rồi cô ấy mới bảo tôi rằng, hai vợ chồng cô ấy chỉ là sống cùng nhà nhưng tiền ai nấy tiêu, cơm ai nấy ăn, ngủ khác phòng. "Tại sao phải ly hôn? Cứ sống chung nhà, không ai phạm ai, cả hai vui vẻ là được rồi. Em cũng đâu có ý định kết hôn với ai nữa và anh ta cũng chỉ yêu đương chơi bời thế thôi".
Trong một khảo sát mà tôi đọc được, chỉ có 24% phụ nữ nói rằng hôn nhân của họ hạnh phúc. 39% số người được hỏi nói rằng… không nghĩ gì cả, hôn nhân là lấy nhau xong là xong. Số còn lại là những người vật vã trong hôn nhân vì họ vẫn còn nặng lòng với hôn nhân, vẫn mong chồng mình sẽ thay đổi, vẫn muốn cứu vãn gia đình.
Hôm trước, tôi có tham gia một toạ đàm trên VTV24 về hôn nhân không ràng buộc, khi mà ngày càng nhiều "gen Z" lựa chọn cưới mà không cần đăng ký kết hôn. Bởi họ coi giấy đăng ký kết hôn chỉ là một tờ giấy. Họ cho rằng quan trọng là sống với nhau thế nào thôi. Tôi khá buồn vì tôi là người coi trọng giá trị của hôn nhân.
Tôi vẫn cho rằng việc đăng ký kết hôn không chỉ là được pháp luật công nhận, mà là tuân thủ pháp luật để được pháp luật bảo vệ hôn nhân của mình bằng Luật hôn nhân gia đình. Tờ giấy đăng ký kết hôn còn mang giá trị của lời cam kết trước sự làm chứng của pháp luật, được luật pháp bảo chứng.
Nhưng giờ đây, khi nhìn những cuộc hôn nhân chỉ là vỏ bọc thì đúng là cũng thấy tờ giấy đăng ký kết hôn mỏng manh quá. Cái ruột của hôn nhân đã không còn thì giấy đăng ký kết hôn kia chỉ còn là một ràng buộc pháp lý mà cả hai con người trong cuộc hôn nhân đó dùng để trói nhau.
Cái ruột của hôn nhân là những gì cả hai vợ chồng đổ đầy vào cuộc hôn nhân đó. Là trách nhiệm và nghĩa vụ. Là tôn trọng và yêu thương. Là làm đầy và làm tròn. Đúng là một bàn tay vỗ chẳng nên kêu nhưng tôi vẫn thấy phí phạm quá đỗi.
Phí phạm một người phụ nữ có thể trở thành người vợ tào khang. Phí phạm một người đàn ông có thể trở thành người chồng đáng dựa cậy. Phí phạm cả những đứa trẻ không được học về Hạnh Phúc thông qua hôn nhân của cha mẹ mình.
Hôn nhân rỗng ruột chỉ còn cái vỏ mà nhìn lăn lóc đến tội nghiệp. Để trưng cũng chẳng thấy đẹp cho nổi khi mà giá trị của nó không có. Vợ chồng thành hai đối tác cùng tham gia một thứ gọi là hợp đồng chung chạ. Lạnh lùng. Lạc lõng.
Tôi vẫn nghĩ xã hội của chúng ta rất cần những cuộc hôn nhân hạnh phúc thực sự. Không phải chỉ để sinh con đẻ cái, duy trì giống nòi. Mà là tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Đóng góp cho xã hội những con người lành mạnh chứ không phải những đứa trẻ thương tổn vì sinh ra trong một gia đình chỉ còn là vỏ bọc.
Liệu mai này chúng có biết trân trọng hôn nhân nữa không hay lại như nhiều "gen Z" có những cuộc hôn nhân không ràng buộc?
Tôi tiếc lắm khi phải chứng kiến giá trị hôn nhân ngày một bị giảm theo cách đó. Đến vợ chồng đầu gối tay ấp mà giờ sống với nhau dửng dưng, gá gẩm vào nhau như thế thì mong gì họ có thể sống tình hơn, thương yêu hơn những người xung quanh? Lũ trẻ học được gì từ cách cha mẹ sống với nhau như thế???
Đổ đầy vào hôn nhân này
Bạn đời. Là một người bạn đồng hành trong cuộc đời này với ta. Là bạn chứ không phải là đối tác. Là cùng nhau chứ không phải mạnh ai nấy sống.
Đổ đầy vào cuộc hôn nhân này cái tình, cái nghĩa, cái thiết tha đi, được không? Để cho con cái chúng ta học được giá trị của hôn nhân. Để cho cuộc đời được thắp lên những xuýt xoa, hy vọng, thay vì thở dài thất vọng khi phải chứng kiến hôn nhân của bạn.
Đổ đầy vào cuộc hôn nhân này đi. Cho hôn nhân một cơ hội để nó đừng rỗng ruột nữa. Hoặc rời đi để không phải sống diễn cảnh gia đình nữa. Cuộc đời này đã quá đỗi vất vả rồi, sao không cho nhau cơ hội để được dìu nhau đi, vượt qua vất vả?
Cuộc đời dài rộng hơn ta tưởng! Năm tháng ngút ngàn hơn ta tưởng. Nếu chỉ biết những điều mắt thấy thôi thì làm sao hiểu được điều này?
Có những người chồng, người vợ chỉ hành động bằng tai nghe, mắt thấy. Là bị vợ kêu mới làm, thấy chồng nói mới tin. Mà không cảm nhận được nhau. Mà không nghe thấy điều vợ không nói. Mà chẳng nhìn ra được những điều chồng thầm lặng làm. Tôi vẫn nói vợ chồng cần ĐỂ TÂM chứ đừng nên ĐỂ Ý là vậy!
Cuộc đời không phải là những năm tháng chúng ta đã sống cùng nhau. Mà cuộc đời là cả những năm tháng phía trước. Rộng hơn biển vì biển đi rồi cũng tới. Dài hơn đường chân trời bởi đi mãi sẽ có lúc hết đường. Cuộc đời rộng và dài hơn thế. Những gì đã đi qua chỉ là một phần rất nhỏ. Những gì sẽ cùng nhau đi tiếp mới thật sự là dài rộng. Nên không nắm tay nhau thì làm sao mà đi xa cho được?
Tôi và vợ mình hay nói với nhau về những điều chúng tôi đã làm được cho nhau. Nhiều hơn những điều chúng tôi từng thất vọng về nhau. Thứ khiến tôi giận vợ mình đều có thể đến lúc mà hết giận. Thứ khiến vợ tôi thất vọng về tôi đều có thể sẽ đến khi nàng phải thoả hiệp cho qua. Nên cả hai không giữ lại. Giận đấy rồi quên đấy. Vì phía trước con đường xa còn muốn nắm tay nhau mà đi. Thất vọng đấy rồi thoả hiệp đấy. Vì chúng tôi còn đầy tràn hy vọng về nhau. Nghĩ tới những thứ tốt đẹp sẽ khiến ta rơi nước mắt. Nghĩ đến những thứ chưa tốt đẹp cũng khiến ta rơi nước mắt. Vậy sao không chọn việc nghĩ đến những điều tốt đẹp thôi?
Nhiều người "inbox" tôi nói rằng, Trang may mắn khi lấy được tôi. Mà quên rằng họ cũng có những may mắn như thế với chồng mình. Chỉ là họ đã từ chối sự may mắn ấy. Bằng tai, bằng mắt mà không bằng tim. Là thấy điều người khác không làm, làm sai, mà không thấy điều họ làm đúng, đã làm. Là chỉ nghe những phân tích, so sánh mà không nghe thấy những ước vọng, khát khao. Có ai muốn một cuộc hôn nhân nhàm chán? Có ai muốn bỏ vợ bỏ chồng? Không! Chả ai muốn cả. Cho đến khi cuộc hôn nhân ấy úa tàn héo hon. Là bởi họ giữ mãi những thất vọng về nhau. Là bởi họ không cho cuộc hôn nhân ấy một đời sống, một tương lai. Họ chỉ muốn cuộc hôn nhân phải theo ý họ.
Tôi chẳng có lời khuyên nào cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bởi tôi cũng chưa từng tạo ra những nguyên tắc hay công thức nào cho cuộc hôn nhân của mình. Tôi và vợ mình chỉ yêu nhau và luôn giữ một niềm tin về việc sẽ đi cùng nhau đến tận cuối đời! Cùng Nhau!
Tôi nghĩ: vậy là đủ!
Theo Phụ nữ Việt Nam