Mới đây, huyện Yên Định đã có báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề xuất xây tượng đài khoảng 20 tỷ đồng. Báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định vừa ký nêu rõ: "Việc xây dựng tượng đài Bà Triệu trên quê hương bà là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời là biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước không chịu khuất phục trước kẻ thù của dân tộc Việt Nam cho thế hệ hiện tại và mai sau”.
Việc đề xuất xây tượng đài với kinh phí 20 tỷ đồng trong khi địa phương đang bị tố nợ hơn 50 tỷ đồng trong nhiều năm, nguyên nhân do việc chi tiêu vô tội vạ khiến nhiều người… bất ngờ!
Không chỉ ở Thanh Hóa, thông tin “huyện nghèo nhất nước” xây tượng đài 14 tỷ đồng, 3 năm chưa xong được đăng tải trên báo chí cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đành rằng, theo giải thích của lãnh đạo huyện Phước Sơn (Quảng Nam), việc xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) để “giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng và góp phần phát triển du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế”. Thế nhưng, việc xây tượng đài trong bối cảnh địa phương đang thuộc diện “huyện nghèo nhất nước” có quá xa xỉ và lãng phí? Dân nghèo liệu ngắm có đủ... "no"?
Thực tế, hơn 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam bắt đầu có phong trào ganh đua xây dựng tượng đài. Nhiều địa phương hiện nay đều đang rất cố để đua nhau xây tượng đài, càng hoành tráng. Thậm chí không chỉ các tỉnh thành, mà cả các quận, huyện, xã... cũng đua nhau làm tượng chủ yếu bằng tiền ngân sách nhà nước.
Số tượng đài đó được xây dựng để làm gì? Tại sao cần phải xây dựng tượng đài nhiều như thế? Các địa phương và những người cổ vũ, ủng hộ xây dựng thật nhiều tượng đài đều cố bám vào các giá trị tưởng niệm đơn thuần về các nhân vật và sự kiện lịch sử...
Phong trào xây tượng đài ở Việt Nam dường như đang đi trên một con đường riêng biệt, không giống quốc gia nào trên thế giới. Tượng đài cứ xây đã có... ngân sách gánh. Theo nhận định của một kiến trúc sư, không có một quốc gia nào trên thế giới có một số lượng tượng đài nhiều được xây dựng bằng tiền ngân sách như ở Việt Nam. Người nước ngoài đều rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao ở ta đang còn nhiều khó khăn mà lại "bạo tay" dùng tiền ngân sách xây tượng đài?
Điều đáng bàn tượng đài nào cũng na ná giống nhau, sáo mòn, rập khuôn, đơn điệu. Do yếu về chuyên môn nên tượng đài càng to, càng cao càng lộ sự yếu kém. Chúng ta hẳn chưa thể quên vụ rút ruột khi xây tượng đài Điện Biên Phủ hay một tượng lớn ở Quảng Ninh bị sét đánh, lộ ra chất lượng quá tồi. Và thực tế, "huyện nghèo nhất nước" dù đã thi công xây tượng đài được 3 năm nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn ngổn ngang.
Thử hỏi, trong hàng trăm tượng đài đã xây dựng, liệu có bao nhiêu tượng đài được gọi là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, là điểm nhấn của đô thị và có tác dụng tuyên truyền, nâng cao thẩm mỹ cho nhân dân? Câu hỏi được đặt ra, có đúng “tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển” không? Chắc hẳn khi được hỏi, nhiều chuyên gia sẽ lắc đầu ngao ngán bởi thực trạng tượng đài phơi giữa lối mòn và lãng phí. Đất nước còn có quá nhiều việc để làm, hãy dành tâm trí, tiền của lo cho dân thay vì phô trương để rồi ngân sách phải oằn lưng chi phí.