Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Kháng thể tinh thần

Kháng thể tinh thần
Một ngôi nhà vui vẻ, mọi người chăm sóc yêu thương nhau trong thời điểm giãn cách, hạn chế các hoạt động ngoài xã hội thực là điều kiện tuyệt vời để tạo sức đề kháng tốt.

Cho đến bây giờ, hơn 1 năm sau đợt Covid-19 bùng phát lần đầu ở Hà Nội khiến cả thành phố phải thực hiện giãn cách , trẻ em nghỉ học và “giam mình” trong 4 bốn bức tường nhà, lũ trẻ nhà tôi vẫn nhắc lại chuyện cậu anh họ của chúng, anh Bi, 13 tuổi sợ mắc bệnh dịch đến mức... mất ngủ, sụt 2 kg chỉ sau vài tuần giãn cách xã hội. Việc cả mấy nhà nháo nhác tìm bác sĩ tâm lý để trò chuyện mỗi đêm cho cậu bé an tâm “đi vào giấc ngủ” khi đó thực là điều gây sốc với gia đình tôi. Vấn đề tâm thần bất thường, sự chấn thương tâm lý... khi đó đã được đưa ra bàn qua bàn lại nhiều lần, mãi cho đến khi mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường, cậu bé hồn nhiên tới lớp.

Nhưng cho đến những lần bùng phát dịch sau này, tôi hiểu “sự lạ thường” trước đây của đứa cháu hoàn toàn không phải là chuyện hiếm. Hàng ngày, trong những câu chuyện với đồng nghiệp, láng giềng hay trên mạng, tôi được thấy, được nghe kể về rất nhiều những đứa trẻ “đột nhiên kỳ cục” sau thời gian dài phải giam mình trong nhà: Đứa bẳn gắt bất ngờ, đứa trở nên ương bướng, thích chống phá, đứa tự nhiên lầm lì, “ruồi đậu mép không muốn đuổi”, đứa trầm cảm....

Và khi bất đắc dĩ phải trở thành nhà tâm lý cho con cô bạn thân, một đứa trẻxưa nay vốn cởi mở, ngoan ngoãn và hiểu chuyện bỗng trở nên cục súc, thường xuyên lấy việc đập vỡ cốc chén để giải tỏa sự bí bức trong lòng sau thời gian dài bị “cách ly” với bạn bè, trường lớp, với hoạt động bên ngoài, tôi mới thấm những tác động của dịch bệnhvới trẻ em phức tạp nhường nào.

Kháng thể tinh thần
 Việc cứu vãn những đứa trẻ khỏi bờ vực của trầm cảm hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác là điều cha mẹ và gia đình những đứa trẻ hoàn toàn có thể làm được.  Ảnh minh họa 

Với trẻ em, nhu cầu vui chơi, học tập, giao lưu ngoài xã hội là điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển tinh thần lành mạnh. Nhu cầu này được nhiều nhà chuyên môn đánh giá, thậm chí, quan trọng ngang với việc ăn, việc ngủ. Vậy mà dịch bệnh đã cướp đi tất cả. Sống trong không gian sinh hoạt vận động nhỏ hẹp, không được gặp gỡ bạn bè, việc học hành gián đoạn và phải ứng phó với những thay đổi bất thường theo tình hình dịch bệnh trong khi năng lực thích ứng còn nhiều hạn chế, trẻ em dễ rơi vào những ngày tháng buồn chán, mất phương hướng. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần như tình trạng lo lắng, trầm cảm, nghiện màn hình, rối loạn giấc ngủ hay ăn uống xảy ra như điều khó tránh.

Hồi đầu tháng 6, tổ chức phi chính phủ KidsRights (Hà Lan) đã đưa ra cảnh báo về việc nguy cơ hàng triệu trẻ em trên thế giới sẽ rơi vào “thảm họa thế hệ” do mất cơ hội học tập vì những biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh và những nguy cơ sức khỏe tâm thần của trẻ em ở giai đoạn này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và dai dẳng.

Trong khi đó, thống kê của tổ chức Cứu trợ trẻ em ở Romania, năm 2020, nước này đã nhận được trên 1.000 yêu cầu tư vấn về các vấn đề liên quan đến Internet và hơn 1.000 vụ liên quan tới lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng.Còn một khảo sát mới đây ở Nhật Bản cho thấy, xu hướng tự tử của học sinh ở nước này gia tăng trong thời gian xảy ra các đợt giãn cách xã hội.

Dịch bệnh là điều bất khả kháng. Giãn cách xã hội để phòng dịch là điều không thể khác. Nhưng việc cứu vãn những đứa trẻ khỏi bờ vực của trầm cảm hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác là điều cha mẹ và gia đình những đứa trẻ hoàn toàn có thể làm được bằng chính sự quan tâm xác đáng của mình.

Những áp lực về việc kiếm sống, những căng thẳng về sự thiếu thốn tiền bạc, thiếu việc làm mà một cách vô tình những cha mẹ truyền sang con mình trên thực tế đã là nguyên nhân khiến những đứa con bị xáo trộn về tâm lý. Những đòn bạo lực gia đình để lại những vết thương lòng trong trẻ. Và cả sự hoang mang, bi quan về tương lai của người lớn đã hằn lên đứa trẻ những bất an. 

Một ngôi nhà vui vẻ, lạc quan, mọi người chăm sóc yêu thương nhau trong thời điểm giãn cách, hạn chế các hoạt động ngoài xã hội thực là điều kiện tuyệt vời để tạo dựng nên sức đề kháng chống đỡ lại những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đây thực là một kháng thể tinh thần không chỉ quý giá trong những ngày này mà còn ươm mầm điều tốt đẹp cho tương lai lâu dài.   

Và ở một góc độ nào đó, giãn cách tại nhà là cơ hội hiếm hoi để cả người lớn và bọn trẻ đều cùng được chơi. Hãy chơi cùng nhau, vui vẻ cùng nhau thật nhiều trước ngày guồng quay vội vã của cuộc sống công nghiệp trở lại, cuốn mất dịp được sống chậm, được tận hưởng không khí gia đình cùng nhau.

Đã bao lâu rồi cha mẹ không còn được, thậm chí quên mất cách chơi với con, nói chuyện với con, có mặt một cách thực sự cho con thay vì để mặc con online? Đã bao lâu rồi những đứa trẻ đã bỏ qua việc học hay làm những công việc nhà mà không thể không biết như nấu cơm, quét dọn, lau đồ dùng... ?

Người tích cực luôn tìm thấy niềm vui ngay cả trong những tình cảnh trớ trêu. Người hạnh phúc luôn biết cảm ơn cả những điều rủi ro.

Trong thời điểm dịch bệnh này, việc thiết lập một lối sống mới: Làm việc tại nhà và dưỡng dục con cái kết hợp vui chơi tại chỗ, chúng ta đang được tận hưởng những điều mà khi bình thường, khi ta bị kiệt sức bởi công việc bên ngoàicánh cửa, dù có muốn cũng nằm ngoài tầm với. Hãy tận hưởng và cảm nghiệm cho mình và cho con trẻ.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.35904 sec| 637.195 kb