Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Khi giáo viên vô cảm...

Khi giáo viên vô cảm...
Khi phụ huynh gửi con đến trường học, là gửi cả niềm tin cho giáo viên và nhà trường. Ấy vậy, có những giáo viên khi nhìn thấy một đứa trẻ đang bị hành hung ngay trước mắt mình, lại thờ ơ đến vô cảm, không một hành động bảo vệ hay phản kháng.

Khi giáo viên vô cảm...

Vừa qua, câu chuyện một phụ huynh lao vào lớp mầm non, giật tóc và đánh tới tấp một bé gái 2 tuổi, khiến bé sợ hãi, hoảng loạn, vẫn đang khiến dư luận xôn xao. Những xô xát của con trẻ ở trường mẫu giáo là khó tránh khỏi, nhưng nam phụ huynh kia lại lựa chọn bạo lực để giải quyết với một đứa trẻ lên 2, chỉ để hả cơn bực tức trong lòng, thật khiến người khác không khỏi giật mình.

Hành vi ấy rất đáng lên án! Nhưng để nói một câu công bằng, trách nhiệm của giáo viên đứng lớp , trách nhiệm của nhà trường ở đâu?

Chúng kiến hành động bạo lực, côn đồ của ông bố kia với bạn học của con gái, là ba cô giáo, những người đáng lẽ phải có trách nhiệm bảo vệ tất cả các thành viên trong lớp học.

Tuy nhiên, trước những cú giáng thịnh nộ vào người đứa trẻ 2 tuổi, ba giáo viên không hề có hành động hay biểu hiện muốn che chắn, muốn bảo vệ hay phản kháng lại. Thậm chí, có một giáo viên chỉ ngồi yên một góc phòng mà theo dõi toàn bộ sự việc.

Tôi tự hỏi, vì sao làm giáo viên lại có thể vô cảm như vậy?

Vốn dĩ, khi đi ngoài đường, chỉ cần vô tình bắt gặp một hành vi bạo lực đối với một đứa trẻ xa lạ, ai cũng sẽ cảm thấy xót xa. Điều mà bất cứ ai có cảm xúc cũng sẽ muốn làm chính là ngay lập tức bảo vệ cho đứa trẻ đó.

Ấy vậy mà, những “cô giáo như mẹ hiền” trong lớp mầm non kia lại thờ ơ đến lạ! Vì đâu nên nỗi?

Những cô giáo ấy thiếu kỹ năng xử lý tình huống sư phạm? Vậy thì tại sao nhà trường lại tuyển dụng và bố trí công việc cho các cô... Hay do quá hoảng sợ nên không dám phản ứng? Với ba người thì chắc chắn không thể đuối thế hơn một người, việc giữ tay người đàn ông đó lại để tìm lại bình tĩnh, đối với ba người đâu quá khó khăn? Đặc biệt, một trong ba cô giáo đã có thể ra ngoài gọi bảo vệ vào giúp đỡ. Hoặc chí ít, cũng là lấy tay che chắn cho đứa trẻ đang bị tổn thương kia.

Chỉ cần đặt cái tâm vào nghề, thì dù có đứng trước những nguy hiểm gấy nhiều lần, giáo viên cũng có thể xoay xở được và kịp thời ứng phó.

Một phụ huynh khác cũng từng có con học tại chính ngôi trường này : “Một ngày tháng 4/2019, khi con trai tôi trở về nhà, tôi thấy trên miệng nó tụ rất nhiều máu, tinh thần hoảng loạn, và được cô giáo giải thích do con chơi đùa tự ngã ở trên lớp. Tuy nhiên, khi trích xuất camera, tôi rụng rời chân tay, không tin nổi vào cảnh tượng dã man đang diễn ra trước mắt mình.

Ngay trên hành lang lớp học, hai đứa trẻ to lớn hơn con tôi rất nhiều thay nhau cầm dép ném vào đầu, vụt vào gáy con tôi, đánh con tôi ngã. Sau đó, chúng cầm túi nilon bịt vào đầu, tiếp tục cầm dép vụt vào người, rồi cuối cùng giơ chân đá thẳng vào mặt con tôi, mặc đứa con bé bỏng của tôi nằm kêu khóc trong đau đớn, bất lực.

Nhưng điều khiến tôi bất bình hơn cả là ngay trên hành lang đó, ngoài lũ trẻ còn có cả các cô giáo đi qua đi lại, thản nhiên như không hề có bất cứ chuyện gì xảy ra!”.

Câu chuyện của hơn một năm trước lại xuất hiện theo một cách khác tại chính ngôi trường này. Những đứa trẻ bị tổn thương chỉ vì sự vô cảm đến rùng mình của những giáo viên trong trường.

Còn về phía nhà trường, không thể nói là không có trách nhiệm, mà thực tế phải là đơn vị chịu trách nhiệm lớn nhất. Chuyện để phụ huynh vào tận lớp đánh trẻ không đơn thuần là một câu chuyện tình huống sư phạm, để cuối cùng đi đến xử lý ông bố, xử lý giáo viên là xong.

Nếu nhà trường chuyên nghiệp hơn, xứng tầm với danh tiếng đã gây dựng bấy lâu nay cùng mức thu “đắt đỏ”, thì sẽ không có chuyện để phụ huynh tự do vào tận trong lớp đón con rồi hành hung con trẻ chỉ vì những bức xúc nhỏ nhặt.

Nếu nhà trường đầu tư bài bản hơn, quản lý sát sao hơn thì sẽ không thể để những giáo viên vô cảm, thiếu kỹ năng như vậy đứng lớp. Nếu nhà trường trách nhiệm hơn thì sẽ không có những lời dị nghị quanh cách ứng xử “lòng vòng” sau mỗi vụ việc phát sinh.

Nhà trường cũng càng không thể “đá bóng” trách nhiệm sang những người trực tiếp trong câu chuyện này. Điều đó vô hình trung “tiếp tay” cho những vụ việc tương tự xảy ra.

Một khi phụ huynh đưa con đi học, không đơn thuần chỉ là gửi một đứa trẻ đến trường để học tập, mà còn là gửi gắm những niềm tin, mong con sẽ được các thầy cô chăm sóc, bảo vệ, mong được nhà trường quan tâm và “chắp cánh” cho con.

Nếu bản thân giáo viên và nhà trường không thể đảm đương được trọng trách, thì không nên tồn tại, không nên tiếp tục làm nghề, sẽ trở thành mối hiểm họa cho nhiều đứa trẻ sau này.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.35823 sec| 645.445 kb