Cách đây mười lăm năm, với xã hội Việt Nam, cụm từ “khởi nghiệp” là một cái gì đó chưa thực sự phổ biến. Nhưng năm năm trở lại đây, thì “khởi nghiệp” không chỉ phổ biến mà còn trở thành cụm từ “cửa miệng” với rất nhiều người. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho một nền kinh tế đang định hình như Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ, đến hết tháng 12 năm 2022, cả nước có khoảng trên 895.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhìn lại quá khứ, năm 1990, cả nước có khoảng trên 5.000 doanh nghiệp. Như vậy, trong vòng 42 năm, số doanh nghiệp tăng thêm hơn 890.000 doanh nghiệp.
Điều đặc biệt là, những doanh nghiệp có thời gian đăng ký thành lập từ năm 2011 đến 6/2023 chiếm trên 73% (hơn 1.376.000 doanh nghiệp), trong khi từ trước đến nay, tính theo lũy kế, số doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam là gần 1.882.000 doanh nghiệp.
Trong vòng hơn 21 năm đầu tiên, tỉ lệ doanh nghiệp thành lập chỉ chiếm chưa đến 27%. Và trong vòng gần 13 năm tiếp đến, tỉ lệ doanh nghiệp thành lập gấp gần 3 lần so với 21 năm trước đó.
Điều ấy đồng nghĩa với việc số lượng doanh nghiệp mới thành lập ngày càng tăng, tính theo lũy kế thời gian. Nhưng chúng ta phải nhìn thấy một sự thật, rằng gần một nửa số doanh nghiệp đăng ký thành lập đã phá sản (không còn hoạt động).
Đây chỉ là thông tin sơ bộ, về việc doanh nghiệp còn đang hoạt động. Đương nhiên, tình trạng của sự đang hoạt động đó diễn ra như thế nào (hoạt động tốt, đang cầm chừng, hay sắp phá sản), thì ta không thể nắm cụ thể.
Con số đó nói lên một thực tế, rằng việc kinh doanh chắc chắn có thành có bại, và ở đây là 50/50. Tuy nhiên, đó là trên giấy tờ và thống kê sơ bộ, còn thực tế thì có thể có nhiều khác biệt. Và việc khởi nghiệp đâu chỉ là việc thành lập doanh nghiệp.
Tôi có một người anh, kinh doanh cà phê từ những năm đầu 1990, nhưng sau hơn 10 năm hoạt động thì công ty anh bị phá sản. Trong năm năm đầu, công ty làm ăn phát triển. Đó là thời điểm anh xây dựng được doanh nghiệp ăn nên làm ra. Nhưng từ năm 1996, giá cà phê bắt đầu sụt giảm. Sự giảm giá cà phê kéo dài liên tiếp đến những năm 2000. Điều đó làm cho ngành cà phê của Việt Nam gần như mất trắng!
Bà con nông dân đua nhau chặt bỏ cây cà phê! Và doanh nghiệp của anh tôi, càng mua vào bao nhiêu thì càng lỗ bấy nhiêu. Kết quả cuối cùng, là sự phá sản của doanh nghiệp. Công ty anh tôi, cũng như rất nhiều những công ty trong ngành cà phê khác, đều phá sản.
Không ai trong ngành có thể dự đoán được sự giảm giá cà phê liên tục trong nhiều năm. Đó là một thực tế đầy đau đớn cho những người nuôi tham vọng thành đạt từ việc kinh doanh cà phê, như anh tôi, vào thời điểm đó.
Bởi vậy, việc “khởi nghiệp” hay kinh doanh, ta không chỉ nhìn thấy sự phát triển trong một hay vài năm, mà nó phải là cả quá trình lâu dài. Và rất nhiều những doanh nghiệp thành công, gây dựng được một thương hiệu lớn, trải qua nhiều thập niên, ít nhiều có tính may mắn nữa.
Xét trên bình diện hiện tại, như theo góc nhìn của phong trào “khởi nghiệp” đang làm, thì anh tôi khởi nghiệp thành công. Nhưng trên bình diện phát triển doanh nghiệp, thì anh tôi thất bại. Mà nguyên nhân của sự thất bại đó, không nằm ở bản thân người chủ doanh nghiệp có tài hay không, mà nằm ở tính bất di bất dịch của thương mại quốc tế, của thị trường.
Bạn khởi nghiệp thành công ở những năm đầu, và những năm sau bạn rơi vào thoái trào và thất bại, trong ngành nghề (lĩnh vực) bạn kinh doanh, là chuyện hết sức bình thường.
Nhưng đó là câu chuyện của sự khởi nghiệp thành công, còn sự khởi nghiệp thất bại thì sao?
Thi thoảng, tôi vẫn đọc được đâu đó, thông tin về những doanh nghiệp mới thành lập nhưng không đủ vốn để hoạt động, hoặc sản phẩm không ra được thị trường (vì chất lượng sản phẩm, giá cả không cạnh tranh được, hoặc vì lý do nào đó). Rất nhiều những doanh nghiệp như vậy. Nghĩa là, mới đầu khởi nghiệp đã gặp trở ngại, đôi khi là thất bại. Hiển nhiên, khởi nghiệp mà thất bại, thì không thể nào nói đến việc xây dựng thương hiệu, và phát triển doanh nghiệp.
Tôi có những người em, những người hàng xóm, tuổi còn trẻ, và họ mang trong mình một khát vọng “khởi nghiệp”. Sự “khởi nghiệp” này không phải là thành lập doanh nghiệp, mà đơn giản là mở một quán cà phê, quán nhậu, quán bán ăn sáng. Nhưng đâu đó trong số họ, cũng có người tạm bán đủ sống, có người gặp duyên thì đắt khách, nhưng đa phần là ế khách, và không thể tồn tại được, sau một năm, hai năm.
Kết quả sau cùng của công cuộc “khởi nghiệp” là sự nợ nần về tài chính, và chưa biết làm cách nào để trả nợ.
Vì sao lại như vậy? Vì họ hiếu thắng, thiếu kinh nghiệm, và không có sự dự phòng tài chính? Có thể, họ thiếu một trong số đó, cũng có thể họ thiếu tất cả. Theo những chuyên gia về “khởi nghiệp”, thì luôn khuyên chúng ta nên khởi nghiệp muộn sẽ tốt hơn. Bởi khi một người có nhiều kinh nghiệm, thì sự khởi nghiệp muộn dễ thành công, và thành công thường dễ bền vững hơn. Và họ có sự đối sánh về tỉ lệ thành công và thất bại của những người trẻ tuổi và lớn tuổi, trong việc khởi nghiệp, tỉ lệ thành công luôn nằm ở những người có thâm niên.
Nói như vậy không có nghĩa rằng tất cả mọi người nên khởi nghiệp muộn, mà điều ấy nói lên rằng, dù làm bất cứ việc gì cũng đòi hỏi bạn phải có sự chín chắn, kinh nghiệm, và nhiều nguồn lực khác. Nếu như bạn có sự hội tụ đủ, thì tại sao không khởi nghiệp?...
Dù biết rằng, khởi nghiệp là một hành trình không hề dễ dàng!...
* Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của người viết.