GS Nguyễn Minh Thuyết thuyết minh rằng “khi dạy chữ, vần, người viết sách phải tạo ra bài đọc để các chữ, vần mới học được lặp lại nhiều lần, giúp học sinh không quên chữ, đọc, viết tốt. Các sách giáo khoa mới, không chỉ riêng Cánh diều, đều sớm đưa việc đọc câu, bài vào để học sinh đọc tốt hơn”.
Việc đó không ai phản bác ông. Người ta nói về các bài tập đọc mải chạy theo những từ ngữ ngô nghê, những đoạn văn trúc trắc mà các ông nặn ra để chứa các chữ mới, vần mới với tần suất lặp lại đến khó chịu.
Phần Tập đọc Sẻ, quạ ở bài 25, trang 49 là một ví dụ. Đúng là chim thì phải hót, nhưng khi nghĩ đến loài chim này, đa phần tuyệt nhiên không có ấn tượng về điều đó. Vậy mà các ông nhân cách hóa thành sẻ “ca” (?!)
Đối với thế giới tự nhiên, trẻ em chưa trải nghiệm được hết, nên những bài học đầu đời phải chính xác, các chi tiết phải mang tính phổ biến. Loài sẻ liệu có ca “ri ri” không? Và quạ, tiếng la của nó có phải là “quà quà” như sách viết?
Thế nên mới có những từ ngữ “quái dị” như chú thỏ “nhá cỏ, nhá dưa” mà GS Thuyết thừa nhận là phải dùng vì “nhá” có nghĩa giống “nhai cỏ, nhai dưa” nhưng học sinh chưa học vần “ai” nên phải dùng “nhá”. Đáng tiếc, những từ ngữ quái dị này không chỉ chỉ xuất hiện một vài lần.
Thiết nghĩ, nếu nhóm tác giả không mô tả được thế giới tự nhiên gần gũi với các em một cách chính xác thì các em chỉ được tiếp cận với vỏ chữ kiểu máy móc và với những thông điệp sai lạc.
Cả một bài Tập đọc do các ông sáng (chứ không phải tối!) tác ra đọc lên thấy khiên cưỡng, trục trặc, nặng về kỹ thuật ghép vần chứ không hề cuốn hút, dễ nhớ như những câu ca dao, tục ngữ, đồng dao hay những câu thơ hay của các nhà thơ mà phần chữ, phần vần vừa dễ hiểu vừa ngân nga trong tâm thức.
Tiếng Việt hay và đẹp do được chứa đựng các báu vật đó. Qua những câu ca dao, tục ngữ, câu thơ hay mà học sinh nhớ cách ghép vần. Và cao hơn nữa, những bài học đầu đời đó trở thành hành trang nhân ái đi theo họ suốt cuộc đời sau này.
Còn ở đây, việc thiết kế bài học chỉ nhằm vào việc dạy chữ mà xem nhẹ những thông điệp mang tính giáo dục. Xin dẫn phần Tập đọc Bé Hà, bé Lê ở bài 12, trang 27.
Một em bé bị ho chạy lại bảo bà: “Hà ho, bà ạ” để cầu mong sự sẻ chia thì bà đáp lại: “Để bà bế bé Lê đã”. Thế nhưng, “Ba bế cả Hà, cả bé Lê”. Như vậy phải chăng bà vô cảm, còn ba yêu cả hai bé? Câu chuyện, buồn thay, có thể được hiểu theo cách đó.
Để đáp ứng cho kỹ thuật dạy chữ, yếu tố dạy người đã không được chú ý. Điều này được lặp lại nhiều lần trong sách. Thậm chí, để đáp ứng cho việc dạy chữ đơn thuần các ông đã bịa tạc, cắt khúc những câu chuyện nổi tiếng của các nhà văn vĩ đại thành những đoạn văn, câu chuyện chẳng giống ai; thậm chí, trái ngược với nguyên tác.
Ở đây xin tạm bỏ qua việc phỏng theo mà không giữ đúng tinh thần nguyên tác bằng cách đổi tên nhân vật trong truyện, phỏng theo truyện của người đã chết để tránh tranh cãi về sự chính xác của văn bản, ý nghĩa và cả vấn đề tác quyền.
Chỉ xin nói đây là câu chuyện được các tác giả cắt ra làm đôi để phục vụ việc dạy chữ khiến phần 1 câu chuyện thiếu hẳn tính giáo dục, cứ như dạy các em cách trốn việc, chống chủ, lười lao động.
Là những giáo sư bụng chứa cả bồ chữ, chắc các ông không thể không biết giai thoại: “Đau bụng uống nhân sâm, tất chết!”. Một câu chuyện hoàn chỉnh bỗng bị cắt đôi, dạy vào hai tiết học khác ngày nhau chứa những thông điệp khác nhau là việc không thể chấp nhận được.
Bởi vì, ấn tượng ban đầu của các em đối với những gì được dạy, nhất là với những tâm hồn trong trẻo, chắc chắn không thể dễ quên. Cách xử lý như vậy, theo các ông có đảm bảo tính sư phạm, tính giáo dục?
Mong các ông xem cách xây dựng một bài Tập đọc ngày xưa. Nhóm tác giả đã không biến Chó - con vật trung thành, tử tế, gắn bỏ với con người, không hề dính tì vết gian tham - thành nhân vật phản diện, đáng khinh ghét như Cáo.
Và như các ông thấy đấy, nội dung thông điệp không chỉ toát ra từ văn bản mà nó còn thể hiện ra từ phần Nhận xét và khiến học sinh nhắc đi, nhắc lại ở phần Tập viết. Một bài học thật tường minh, đầy tính giáo dục mà từ con trẻ tới cha mẹ các em, giáo viên đều thấy thông điệp giáo dục bật ra rờ rỡ.
Thưa hai giáo sư, hẳn các ông không vừa lòng vì bị xã hội phản ứng. Ông Sử khẳng định “không có chuyện tác giả đưa các câu chuyện vào sách để dạy trẻ thói gian lận, khôn lỏi. Người đánh giá cần đọc kỹ hơn”.
Tôi hiểu, các tác giả chẳng dại gì rắp tâm làm thế. Nhưng tâm họ không trong trẻo, tầm họ chẳng vút cao nên mới xảy chuyện “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” mà thôi.
Ông Thuyết khuyên: “Tôi tin nếu phụ huynh chờ đợi, không lâu đâu, mọi người sẽ thấy hiệu quả của sách. Việc xem xét điều chỉnh là cần thiết nhưng không thể đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe được”, còn ông Sử thì bảo “phải chờ đến hết năm mới đánh giá được việc học sách giáo khoa mới”.
Xin lỗi các ông, có lẽ chẳng phải chờ lâu đến thế đâu. Điều các ông cần làm lúc này là lắng nghe, suy nghĩ và bàn bạc để trả lời cho thấu tình đạt lý trước dư luận xã hội và tìm ra các phương án sửa sai cho sách giáo khoa kỳ tới và năm sau.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!