Đủ kiểu lừa, từ hồi xa lắc xa lơ là kiểu “ông chú Viettel” rồi “tôi tuyên bố” rồi “nhận tin này thì phải gửi tiếp cho n người, nếu giữ lại thì sẽ chịu rủi ro”... tới mời bình chọn để mất nick rồi bị lấy nick ấy đi lừa người khác, mà thông thường nhất là... mượn tiền, rồi “tôi ở nước ngoài, được thừa kế số tiền khổng lồ phải nộp thuế, tôi chuyển cho bạn một ít để... khỏi phải nộp thuế”... Tới giờ thì “xịn” hơn, giả danh công an, viện kiểm sát... gọi điện thông báo bị bắt, bị khởi tố, phải lập tài khoản mới rồi chuyển tiền vào đấy để... công an giữ... vân vân muôn hình vạn trạng.
Lạ là, thông tin đầy rẫy như thế nhưng vẫn có người bị lừa, nhiều người không chỉ trắng tay mà còn kéo theo rất nhiều người bị theo bởi người này đi mượn của người quen bạn bè để... nộp cho bọn lừa.
Tại tham cũng có, khá nhiều. Nhưng tại sợ cũng có, cũng khá nhiều.
Thì tự nhiên bị gọi, dọa là chúng tôi đang điều tra án ma túy, ông bà liên quan, muốn chứng minh phải như thế như thế, lập tài khoản rồi chuyển hết tiền vào đấy chứng minh mình vô can, và phải bí mật không được lộ ra...
Và cứ thế mà thun thút nghe. Tới mức có vụ ra ngân hàng chuyển tiền cho bọn lừa đảo, được nhân viên ngân hàng cảnh báo nhưng vẫn không tin, bèn bỏ chỗ ấy sang chỗ khá để mở tài khoản, chuyển tiền bằng được...
Người bị lừa rất nhiều nhưng bọn lừa thì bị phát hiện rất ít, chứng tỏ chúng rất tinh vi và “giỏi nghề”.
Có nhiều người nghi ngờ số “nhân viên” lừa đảo này đa phần cũng là nạn nhân bị lừa vào các ổ “khởi nghiệp”, “khởi nghiệp” bằng cách đi... lừa tiếp người khác. Cứ thế dắt dây.
Cõi mạng, về mặt nào đấy, nó giống cõi thực, nó cũng đầy đủ các trạng thái sống, các tình huống sống. Nó cũng là xã hội. Nó khác cõi thực là nó... ảo, nó đòi hỏi phải có sự hiểu biết mới sống chung được. Cõi thực có lừa đảo thì cõi ảo cũng có, nhưng nó tinh vi hơn, ảo diệu hơn, “chuyên môn” hơn.
Thì cõi thực ấy, lâu lâu chúng ta lại nghe những vụ lừa rất lớn, mà bây giờ đang thịnh là góp vốn làm ăn và chơi hụi (họ). Có người rất nghèo, tháng nào nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo xong là... đóng họ. Được dăm năm, bùng phát, trắng tay. Mà số này không ít. Không ít người rất thông minh, quyền biến còn bị lừa. Vậy thì những bà nông dân, mà chả cứ nông dân, cán bộ hẳn hoi, giáo viên hẳn hoi, bị lừa chơi hụi, lừa góp vốn... cũng là chuyện... thường.
Huống gì cõi mạng. Mới thế, tinh vi thế, khó thế, rắc rối thế (nhưng cũng dễ thế, đơn giản thế) nên bị lừa cũng là sự bình thường.
Nhưng tới cái tin lừa sáng qua thì... buồn cười quá, ấy là hàng ngàn người bị sập bẫy tư vấn tình yêu của một trai hoi 27 tuổi ở một huyện miền núi tỉnh Hòa Bình. Thanh niên này thuê hai chục người khác, đều rất trẻ, chủ yếu là sinh viên, học sinh, hiểu biết tin học, cùng mình... thả thính. Và chỉ trong khoảng một tháng, hàng trăm người đã bị lừa hơn một tỉ đồng bằng cách mua những đồ giải hạn, se duyên... toàn đồ vớ vẩn nhưng bán với giá “tình duyên”, “giải hạn”.
Nước ta tự hào là nước phổ cập internet nhanh, sớm và phát triển rộng. Nhiều ứng dụng trong đời sống đã được số hóa, rất tiện lợi và tiện dụng. Nhưng cũng như ở đời thực, bọn lợi dụng để lừa đảo cũng nhiều. Nên một trong những việc cần làm là song song việc phổ cập ứng dụng thì cũng cần phổ cập kiến thức cho người dân, nhất là bà con vùng sâu vùng xa, người già, để họ không bị bọn xấu lừa đảo. Cơ quan có trách nhiệm đã thống kê có tới 24 hình thức lừa đảo trên mạng, và trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Với câu lệnh “Lừa đảo qua mạng”, trong vòng 0,26 giây, Google cho ta 14.300.000 kết quả đủ thấy “ngành” lừa đảo này đã “phát triển” như thế nào. Và vào đọc mới thấy nhiều trường hợp vừa đáng thương lại vừa phải cười ra nước mắt.
Nhưng cũng không nói trước được điều gì, biết đâu ngày mai người đang viết bài này lại cũng là... nạn nhân.
Tuần trước, chỉ một bước nữa là tôi mất tài khoản facebook có tick xanh của mình khi một người bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyển cho cái link mời vào xem ảnh gia đình bạn ấy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh mời xem ảnh thì đúng rồi. Đã khai xong tên, số điện thoại, nhưng đến password thì tôi khựng lại... và y như rằng, tài khoản của bạn ấy bị hack cách đấy 30 phút...
Hú vía.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.