Ở nước ta, để chỉ công việc của các hội đồng có chức năng kiểm tra, xem xét, đánh giá các tác phẩm nghệ thuật trước khi chúng được cơ quan quản lý cấp phép cho lưu hành, biểu diễn hoặc triển lãm, thì chữ dùng phổ biến lâu nay là “thẩm định nghệ thuật”, nhưng chữ dùng chính xác nhất, theo tôi phải là “kiểm duyệt nghệ thuật”. Các hội đồng “kiểm duyệt nghệ thuật” này có ở các Cục của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, có ở các Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh. Và như tôi thấy, công việc kiểm duyệt nghệ thuật của họ thật ra là một nghề đầy nguy hiểm, một loại lao động độc hại, có thể khiến người lao động phải chịu nhiều thương tổn, chủ yếu về sức khỏe tinh thần.
Ấy là bởi công việc kiểm duyệt nghệ thuật, trong trường hợp gặp tác phẩm bị xem là “có vấn đề”, sẽ tác động trực tiếp đến ý chí và quyền lợi của nghệ sỹ hoặc nhà sản xuất nghệ thuật. Hãy cứ thử hình dung khi một bộ phim điện ảnh, phải mất bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức và trí não của bao nhiêu con người mới thành, mà nhận được lệnh cấm chiếu, thì lúc đó ắt là cả một trời tức giận ai oán sẽ từ những người làm phim đổ xuống những người kiểm duyệt. Nếu may mắn hơn, không phải là lệnh cấm chiếu mà chỉ là yêu cầu cắt bỏ hoặc chỉnh sửa đoạn này cảnh kia, thì cũng đủ khiến những người làm phim phải tốn một khoản tiền không nhỏ để thực hiện, làm cho kế hoạch phát hành phim của họ bị chậm lại, và khiến sự thể hiện tinh thần nghệ thuật của họ trong bộ phim đã không còn được trọn vẹn.
Nhưng tại sao lại phải kiểm duyệt? Về đại thể, ta có thể nói rằng phải kiểm duyệt là để đảm bảo tác phẩm nghệ thuật kia (một bộ phim, một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết, một chương trình ca múa nhạc, một triển lãm ảnh hoặc triển lãm mỹ thuật v.v...) sẽ đi vào đời sống trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối những quy định pháp lý đã hình thành sẵn như những cái khung cho nó. Cái gì luật không cấm thì được làm. Còn khi đã phạm luật, ở tổng thể hoặc ở chi tiết, thì dừng lưu hành, biểu diễn hoặc triển lãm, cho đến khi vấn đề được giải quyết ổn thỏa. Như thế gọi là thượng tôn pháp luật.
Nhưng éo le thay, hành vi kiểm duyệt, khi tác động đến tác phẩm nghệ thuật đang chờ cấp phép để sống đời sống của nó trong công chúng, lại thường chẳng mấy căn cứ được vào những quy định pháp lý cụ thể và rành mạch. Lấy ví dụ: việc cấm những cảnh bạo lực và khiêu dâm trong phim. Vậy đánh đấm bắn giết đến đâu thì ở ngưỡng bạochấp nhận được? Và lõa thể hoặc yêu đương đến đâu thì mới ở cảnh giới gợi tình chứ chưa đến mức khiêu dâm? Những chuyện cụ tỉ tế vi như vậy luật không nói, nên rõ ràng, quyết định cấm hay yêu cầu cắt bỏ hoặc chỉnh sửa sẽ phụ thuộc cảm nhận và ý chí chủ quan của người kiểm duyệt. Họ có thể đúng và cũng có thể sai, thậm chí sai nhiều, và lúc ấy thì tha hồ mà điều tiếng.
Tôi chỉ lấy một ví dụ về cái sai trong kiểm duyệt điện ảnh thôi: bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Phim được sản xuất năm 1982, chiếu lần đầu năm 1983, và ngay sau đó bị cấm chiếu ròng rã đến tận năm 1987, dù đã có sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cấm chiếu với lý do phim “có vấn đề”, “nhạy cảm”, cho dẫu không ai trong số các thành phần kiểm duyệt có thể chỉ ra bất cứ sai sót nào trong nội dung và cách thể hiện phim.
Trong lĩnh vực văn chương thì ví dụ còn nhiều hơn. Những tiểu thuyết như “Trư cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh, “Học phí trả bằng máu” của Nguyễn Khắc Phục, “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, và nhiều tác phẩm khác nữa, đều đã từng phải nhận lệnh đình chỉ, thu hồi, thậm chí tiêu hủy, dù chẳng ai nói cho rõ được chúng sai chỗ nào, ngoài lý do như đã nêu ở trên: “có vấn đề”, “nhạy cảm”. Cho nên về sau này, khi các tiểu thuyết ấy được in lại và phát hành một cách bình thường như chưa từng có gì xảy ra, thì thiên hạ mới có cớ để nói những người kiểm duyệt lúc trước là tư duy cứng nhắc, thậm chí ấu trĩ, lại có tật nhìn đâu cũng thấy địch.
Gần đây nhất là triển lãm tranh chân dung gò đồng của nghệ sỹ Phạm Xuân Trường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm này vẫn diễn ra – chứ không bị lệnh phải dừng toàn bộ như triển lãm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của họa sỹ Mai Duy Minh năm ngoái, 2022, tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam – nhưng là diễn ra không đầy đủ: nghệ sỹ đăng ký 184 bức gò đồng, nhưng Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội chỉ cấp phép cho triển lãm 154 bức, 30 bức còn lại thì bị cấm/ không được phép treo. Cho đến bây giờ, khi triển lãm đã xong (từ ngày 2 đến ngày 8/ 12/ 2023), cơ quan kiểm duyệt, cấp phép vẫn chưa một lần thông báo công khai lý do của việc cấm treo 30 bức chân dung gò đồng kia. Sự im lặng khó hiểu ấy gây bức xúc cho tác giả, cho những người được gò đồng chân dung nhưng lại không được phép treo mặt mình lên, cho cả công chúng nghệ thuật nói chung. Vì thế những lời đồn đoán cứ xuất hiện nháo nhác, râm ran khắp nơi. Nếu là vì nhân thân của những nhân vật trong 30 chân dung gò đồng ấy “có vấn đề”, thì không phải, vì khá nhiều vị là những tên tuổi lớn, chủ nhân của Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, những người còn lại cũng chẳng ai có tiền án tiền sự gì hết.
Cũng có nhiều người suy luận: có thể là do tranh xấu quá, nên kiểm duyệt gạt ra những bức xấu nhất, cho cái tổng thể xấu được bớt đi một chút xấu. Suy luận này cũng không đúng, đã có người nói thế, vì xấu mà gạt ra thì phải gạt hết cả 184 bức, bởi chúng... xấu đều như nhau. Vả lại tranh xấu hay tranh đẹp là câu chuyện giữa tài năng của tác giả và “gu” thưởng thức của các thành phần công chúng, người kiểm duyệt vốn dĩ không nên can thiệp. Tóm lại, với triển lãm này và với sự im lặng khó hiểu kia của cơ quan kiểm duyệt, cấp phép, dư luận xã hội trở nên ồn ào hơn bao giờ hết. Người ta kêu rằng quản lý văn hóa lộng quyền. Còn tôi lại muốn nói: họ đang lao động độc hại.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.