Có một cái tin trên báo khiến tôi tần ngần mãi, rằng là, thay vì phải viết tường trình, bị phạt quét rác... học trò Trường THPT Bùi Thị Xuân (Tp.HCM) “bị phạt” đọc sách nếu vi phạm nội quy. Và đã có hơn hai mươi em học sinh nhận “hình thức kỷ luật” này, là đọc sách xong thì viết cảm nhận nộp thay vì tường trình hay bản kiểm điểm.
Và các cháu học sinh hân hoan hưởng ứng.
Nhưng chắc là, không ai hưởng ứng bằng cách sẽ phạm lỗi để bị phạt... đọc sách cả. Mà các cháu sẽ quan tâm hơn tới sách, tranh thủ đọc để lỡ có... bị phạt thì có cái để viết.
Mà hiện nay, nguy nhất là, việc đánh nhau trong học sinh, mà ta gọi cho nó “sang” hơn là bạo lực học đường ấy, có cơ nở rất rộ. Đa phần là nữ (hay có nam mà chưa bị lộ), và nhiều cháu đánh một cháu nên không thể gọi là đánh nhau, mà phải chỉ rõ thực trạng là... tra tấn nếu ta xem các clip nhiều cháu đánh hội đồng một cháu ấy.
Thế nên việc làm sao để các cháu chịu đọc sách, đọc sách nhiều là một điều rất nên. Tôi nhớ ai đó nói đại ý, thêm một người đọc sách là bớt đi một góc nhà tù.
Nhưng rồi lại xa xót cho sách quá.
Nhớ hồi còn nhỏ, thực ra cũng không nên ăn mày quá khứ khi cứ lôi cái ngày xửa xưa ra kể, nhưng quả là cái thời xửa xưa ấy, vớ được cuốn sách như lạc vào thiên đường.
Mẹ tôi mỗi tháng khi lĩnh lương thường cho mấy hào mua sách. Và tôi ra hiệu sách, chọn một cuốn mua, trả tiền xong thì ngốn ngấu tại chỗ ba bốn cuốn, xong rồi về, nhẩn nha đọc cuốn sách của mình, vừa đọc vừa sợ hết. Còn 2 trang cuối cùng, tôi gấp lại, không đọc nữa, hết mất. Và lúc ấy tôi để cho tâm hồn bay bổng, suy tưởng đủ kiểu về cái kết.
Hôm qua có một bạn nhà báo phỏng vấn tôi về kỷ niệm ngày xưa với văn chương, cái thuở đời đầu ấy. Tôi kể tôi ôm cuốn sách lao xuống hầm trú ẩn khi máy bay ném bom. Rất nhiều người cũng lao xuống hầm tránh bom, và họ làm nát hết cuốn sách của tôi vì hầm có nước và bùn, cuốn sách rơi xuống và bị giẫm lên trong sự bất lực của tôi. Tôi chỉ biết gào lên, và người lớn lại tưởng là tôi sợ máy bay, sợ bom quá mà gào khóc.
Tôi cũng vừa được mời lên tỉnh Kon Tum làm diễn giả nhân ngày sách với tư cách nhà thơ. Khi tôi hỏi những ai ở đây mỗi tháng đọc một cuốn sách, rất ít cánh tay giơ lên. Các cháu là sinh viên, học sinh của thành phố Kon Tum. Tôi nói rất thông cảm với các cháu và cả các thầy cô giáo, bởi áp lực học và dạy ghê quá, choán hết thời gian. Những là học chính học thêm, dạy chính dạy thêm, rồi còn bao thứ liên quan nữa, kể cả việc lập nhóm trên mạng nói xấu nhau rồi hẹn... đánh nhau. Thế nên đọc sách trở thành thứ yếu, thế nên có người cứ cầm tới cuốn sách là... ngủ.
Thế nên cái việc thay kỷ luật bằng đọc sách, nó vừa hài hước, xót xa, tức vừa bi vừa hài, nhưng lại cũng là cách chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện tại.
Theo lời thầy hiệu trưởng nói với một tờ báo thì: việc xử phạt được thực hiện vào tiết cuối cùng của buổi học chiều. Tức là những ngày học sinh chỉ học 4 tiết vào buổi chiều thì không được ra về mà ở lại trường. Các em sẽ xuống thư viện, chọn một trong những cuốn sách của thư viện. Sau đó, các học sinh sẽ chọn một câu chuyện mà mình thích nhất trong cuốn sách để đọc thật kỹ và viết bài cảm nhận.
Hình thức xử phạt này nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Thứ hai là tạo điều kiện để học sinh rèn luyện kỹ năng viết văn, cảm thụ văn học; khơi dậy lòng yêu thương ông bà, cha mẹ, trân trọng những giá trị truyền thống của gia đình đối với giới trẻ hiện nay.
Khi học sinh biết yêu thương gia đình của mình thì các em sẽ tự điều chỉnh hành vi, thái độ của mình. Các em sẽ sống chan hòa hơn và có thể giảm bớt những hành vi vi phạm quy định của nhà trường.
Nhưng tôi vẫn ước ao, rằng là, khi khen thưởng thì các em được đọc sách, được tặng sách, chứ không phải khi bị phạt mới “được” đọc sách, dẫu tôi vẫn cho rằng, việc phạt này, trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà sự đọc sách sa sút nghiêm trọng, thì nó hợp lý và đáng hoan nghênh.
Đọc sách, bao giờ cho tới... ngày xưa, nó là phần thưởng chứ không phải hình thức kỷ luật.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.