Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

'Rác' mạng đầu độc con trẻ

'Rác' mạng đầu độc con trẻ
“Rác mạng” ngập lối, bố mẹ hãy góp phần là người “quét rác” để bảo vệ con trẻ!

Tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X như chúng tôi là những cánh diều no gió, là nước da rám nắng khỏe mạnh của những trưa hè trốn bố mẹ đi chơi khăng, đánh đáo. Còn tuổi thơ của nhiều trẻ em nay là bầu trời qua khung cửa nhở, là những clip nhiều ẩn họa trên mạng ... là những làn da cớm nắng nhìn mà xót xa…

Mấy hôm nay, ngập tràn trên các mạng là những dòng trạng thái bày tỏ sự bức xúc của các bậc phụ huynh với clip của bạn Thơ Nguyen (YouTuber có 9 triệu người theo dõi) đăng tải lên tiktok đoạn clip về việc xin vía học giỏi cho các em học sinh. Trong đoạn clip, Thơ Nguyen ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng mình là "mẹ" và gọi búp bê là "con".

Ngoài ra, YouTuber sinh năm 1992 cầm con búp bê lắc, thực hiện những hành vi mê tín dị đoan kêu gọi “con gái” “xin vía”. Ở đoạn cuối clip, cô còn khiến người xem cảm thấy rùng rợn khi khui nước ngọt để cho “con gái” uống, và khẳng định “bé uống quá trời”.

Nhiều ý kiến cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong (một loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người). Nhiều người bày tỏ lo lắng bởi đoạn video có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ nhỏ.

'Rác' mạng đầu độc con trẻ
“Vật bất ly thân” của nhiều đứa trẻ hiện nay là những chiếc , ipad được kết nối mạng.

Đoạn clip được đăng tải từ ngày 27/2 đến chiều ngày 10/3 đã có khoảng 5 triệu lượt xem. Dù Thơ Nguyễn đã lên tiếng đính chính nhưng nhiều phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục chỉ trích nội dung mà YouTuber này đã quá đà và phát tán “rác mạng” đầu độc con trẻ, những tâm hồn trong trắng dễ bị ảnh hưởng bởi cái xấu.

Trước đó kênh YouTube Thơ Nguyễn đã không ít lần khiến cư dân mạng phẫn nộ vì thực hiện các clip gây nguy hiểm trong khi lượt xem chủ yếu là trẻ em, như clip "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ", clip bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, đun bia, nước ngọt trên bếp…

Hiện nay có rất nhiều Youtuber bất chấp lương tâm, đạo lý để "sáng tạo" những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm chỉ để câu view, câu like. Gần như không có kênh Youtube nào cảnh báo trẻ em, nội dung giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều cháu bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát, chọn lọc nội dung nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Những nội dung này sẽ làm lệch lạc suy nghĩ, méo mó tâm hồn của trẻ nhỏ. Chưa kể đến việc các bạn nhỏ sẽ học và làm theo dẫn đến hàng loạt các hậu quả đáng tiếc.

Gần đây nhất là ngày 25/11, một bé trai 8 tuổi (ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tử vong nghi do học theo thử thách Momo trên Youtube.

Hay như khoảng tháng 10/2020, một bé trai 9 tuổi ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) học theo các video trên mạng, sau đó thực hành nuốt trọn chiếc bấm móng tay vào bụng. Cháu bé kể lại, do thường xuyên xem các video trên YouTube nên nuốt bấm móng tay làm theo.

Nhiều người lo ngại YouTube hay YouTube Kids ẩn sau những vỏ bọc hoạt hình vui nhộn có không ít nội dung đang biến trẻ em trở thành những “con mồi hồn nhiên” và dễ bị gây hại nhất. Những vụ việc như trên thực sự là mối lo ngại nếu như chúng ta không kịp thời ngăn chặn cái xấu, tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ.

Khoan hãy nói về trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước, chính những bậc phụ huynh cũng khá chủ quan trong việc nuôi cái và đang dần khiến những đứa trẻ ngày càng thiệt thòi với tuổi thơ của mình. Việc lơ là trong kiểm soát và dạy con của cha mẹ vô tình đẩy chúng vào không gian mạng với vô vàn những hiểm nguy khó kiểm soát.

Chúng ta cứ thử nhìn lại sẽ thấy. Nếu khu vườn tuổi thơ trong những thế hệ 8X, 9X là vị đắng chát của những trái mít non chấm muối, mùi thơm thanh khiết dễ chịu của lá xoài, lá roi, lá bưởi. Là những buổi trưa hè trời nắng chói chang vác cần ra bờ ao câu cá, hay xách nước đi đổ tổ dế, mang rơm đi đốt tổ ong, hun tổ chuột... Tuổi thơ của những đứa trẻ ngày nay, nhất là trẻ con thành phố…thật khổ. Chúng không có khu vườn của riêng mình. Ao ước của chúng có lẽ chỉ là những dịp cuối tuần được bố mẹ cho đi siêu thị, vào chơi trong những trung tâm thương mại hoặc lại cắm mặt vào , điện thoại, ipad. Mắt chúng cứ mờ dần, các bệnh về tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị ngày càng gia tăng. Bộ não với những kỹ năng sinh tồn giữa thiên nhiên gần như bị vô hiệu hóa. Chúng vận động ít đi, trí thông minh vận động giảm dần...

Trẻ con thành phố thật khổ! Chúng không có lấy một bầu không khí trong lành để hít thở! Những không gian công cộng với hồ điều hòa và cây xanh vẫn còn quá ít ỏi so với một thành phố hàng triệu dân. Một ngày 24 tiếng thì có tới 90% thời gian chúng phải ở trong nhà nhìn ánh mặt trời qua ô cửa. Bầu trời của trẻ không phải là khoảng không bao la ngập tràn mơ ước mà nó là ô vuông nhỏ bé, chật hẹp. Và “vật bất ly thân” của nhiều đứa trẻ hiện nay là những chiếc điện thoại, ipad được kết nối mạng. Những ẩn họa từ đó mà ra chứ cần gì xa xôi.

Mặc dù phẫn nộ trước những YouTuber như Thơ Nguyễn đã tạo ra sản phẩm độc hại cho con trẻ , các bậc cha mẹ cũng thử một lần nghiêm túc “thống kê” số thời gian chúng ta dành ra mỗi ngày để quan tâm, trò chuyện với con cái. Tôi tin rằng, nhiều bậc cha mẹ sẽ nhận ra, lượng thời gian chúng ta thực sự buông điện thoại, buông những lo toan ngoài xã hội để dành cho con đang ít ỏi đến đau lòng.

Các cụ có câu “nước xa khó cứu lửa gần”, để bảo vệ con khỏi những “liều thuốc độc” ẩn mình trên không gian mạng thì cha mẹ ngoài việc cài đặt những nội dung an toàn cho con, chọn lọc cho con xem các kênh lành mạnh, mang tính giáo dục, giám sát thời gian, nội dung để biết con mình đang tiếp cận với thông tin nào. Mặt khác, cha mẹ cần dành thời gian và nỗ lực trong việc nói chuyện với con hàng ngày, nuôi dưỡng tình bạn và sự , đồng cảm với con. Việc hiểu con sẽ giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện kịp thời ngăn chặn các vấn đề nguy hại con đang gặp trên môi trường mạng, trang bị co con kiến thức nhận ra những trò xúi giục nguy hiểm.

Đừng để điều con nhớ đến cha mẹ chỉ là những cái lưng, nhãn hiệu chiếc điện thoại ta dùng hay những lời xua đuổi của chúng ta với câu muôn thuở: Để yên cho bố mẹ làm việc! Để sau đi! Bố mẹ đang rất bận con hiểu không?

“Rác mạng” ngập lối, bố mẹ hãy góp phần là người “quét rác” để bảo vệ con trẻ!

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36818 sec| 649.289 kb