Hơn 70 năm trôi qua nhưng câu hỏi này vẫn luôn luôn cựa quậy trong túi gấm của người đi tìm sự thật. Cấm và không cấm là chuyện của luật pháp, của các điều quy định cụ thể, còn nên hay không nên lại là vấn đề của đạo đức, lương tâm.
Báo chí thời hiện đại cạnh tranh nhau từng phút, cạnh tranh ngay trong mỗi tòa soạn, trước hết là phải nhanh về thời gian. Trận bóng đá đêm qua, sáng nay báo in mới đưa tỉ số thì còn có giá trị gì? Nhưng nhanh thì dễ sai, dễ ẩu, vì không có điều kiện kiểm chứng. Ngược lại, chậm thì không những nguội về thông tin mà dần dần nó nguội luôn cả uy tín tờ báo, mất dần bạn đọc.
Lại nói về sự nhanh và chậm, cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra đã gần bốn tháng qua. Có nhà nghiên cứu báo chí xã hội nước ngoài cho rằng, đã và đang diễn ra “hiện tượng chiến tranh truyền thông toàn cầu”.
Cuộc chiến không ai mong muốn này đã thu hút sự quan tâm của công luận toàn thế giới. Không nằm ngoài quy luật chiến tranh, các giao tranh không chỉ bùng nổ trên chiến tuyến mà xuất hiện trên mặt trận thông tin.
Nga dốc sức ngăn chặn và kiểm duyệt các kênh truyền thông, các nền tảng mạng xã hội của phương Tây. Còn Ukraine lại có những chiến lược “úp mở” với con dao hai lưỡi. Vì vậy, cuộc chiến này đến nay không thể có con số chính xác về con người, vũ khí, trang bị, tiêu hao sinh lực.
Sự thật là như thế. Báo chí Việt Nam đưa tin như thế nào, nên đưa và không nên đưa cái gì? Hồi cuối tháng 2/2022, khi xung đột Nga-Ukraine vừa nổ ra, có nhiều cách đưa tin, bình luận thiếu thống nhất và không chuẩn xác. Nào là “cuộc chiến”, “xâm lược”, “chiến tranh”, “giao tranh”, “chiến sự”… cuối cùng thì cơ bản thống nhất một cách gọi: “cuộc chiến” hoặc “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Báo chí sau một thời gian khá yên ắng lại nóng lên vì sự kiện vừa bất thường, vừa bình thường này. Tùy vào góc nhìn của từng nhà báo mà đánh giá, nó là “bất” hay “bình”(!).
Nóng nhất là câu chuyện mới đây cơ quan cảnh sát điều tra bắt giam Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vì liên quan đến “vụ Việt Á”.
Căm ghét tham nhũng, nhất là khi kẻ suy thoái đạo đức lại là cán bộ cấp cao, cho nên khá nhiều bài báo không còn giữ được bình tĩnh.
Có báo đưa tin: “Quan thượng thư” và “Quan tổng đốc” bị bắt, không chỉ bất ngờ mà Quốc hội trở nên bị động, thay đổi chương trình thích ứng. Theo đó, Quốc hội phải làm việc liên tục không giải lao và nghỉ sớm để các đại biểu là Ủy viên T.Ư…đi họp.
Có báo vội vàng thông tin: “Ngày mai 7/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Nguyễn Thanh Long, HĐND của ông Chu Ngọc Anh. Với kỷ luật Đảng ở mức “kịch trần” là khai trừ, thì cả hai ông sẽ bị Quốc hội và HĐND bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và bãi nhiệm đại biểu HĐND”.
Mấy hôm sau, khi Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị bắt giam, khá nhiều bài “luận tội”: “Hai đời giám đốc CDC Hà Nội nối gót vào tù, vì đâu nên nỗi ?”; “Người từng nói "không mua một bộ xét nghiệm nào của Việt Á” đã xộ khám”, v.v..
Trong lúc mạng xã hội như những làn sóng trào dâng, càng thấm lời dặn của người đi trước với người viết báo: Cần trái tim nóng và cái đầu lạnh, vì báo chí không chỉ thông tin mà còn phải góp phần dự báo, định hướng, góp phần ổn định xã hội. Đấu tranh với cái ác là để làm giàu, để xả thân vì cái thiện, chứ không nhằm mục đích… bán báo.
Nên hay không nên là câu hỏi bám riết mỗi phóng viên, mỗi nhà quản lý, nó thể hiện cái tâm, cái đức của người làm báo. Và để trả lời đúng trước khi viết, khi biên tập, khi duyệt bài, thì phải có đủ thông tin, có kinh nghiệm, có trí tuệ, và cả sự tỉnh táo, nhạy cảm.
Bởi cái nghề của chúng ta suy cho cùng là nghề đi tìm sự thật. Cao hơn cả sự thật là tính trung thực, là bản lĩnh, là sự dấn thân của người viết. Sự dấn thân thời nay gắn liền với một nền báo chí trí tuệ.
Dấn thân cho lẽ phải, vì lẽ phải và vì sự phát triển của một xã hội hiện đại, một nền kinh tế tri thức mà Việt Nam chúng ta đang xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Một cuốn sách đang được giới truyền thông báo chí tìm đọc - cuốn Hơn cả tri thức.
Cuốn sách nêu quan điểm: Chất lượng báo chí của thế kỷ XXI không chủ yếu nằm ở việc các nhà báo xông xáo đến những nơi khó khăn, gian khổ, phát hiện các nguồn tin, xác minh và tái xác minh các dữ kiện.
Thay vào đó, chất lượng của hoạt động báo chí thể hiện ở nội hàm khái niệm “báo chí trí tuệ”. Sự chuyển dịch hướng đi trong báo chí thể hiện rất rõ trong khoảng hai chục năm nay.
Báo chí trí tuệ còn được gọi là “Báo chí 5I”. 5I là những chữ viết tắt từ tiếng Anh, cụ thể là: Informed (am hiểu), Intelligent (thông minh), interesting (thú vị), Insightful (sâu sắc) và Interpretation (sáng tỏ).
Đó là thuật ngữ khoa học. Còn nói một cách hình ảnh, báo chí trí tuệ là những tác phẩm có hàm lượng thông tin được cô đặc, như nước biển trên khoang tàu sẽ bay đi hết, còn lại là những hạt muối. Cần tiếp cận cái mới một cách nhanh chóng, nhưng cái mới ấy phải được thẩm thấu qua cái màng lọc là truyền thống, là bản sắc dân tộc.
Sự dấn - thân - có - trí -tuệ vừa là đòi hỏi vừa như là phẩm chất tự thân của nhà báo trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay.
Tác động của nền kinh tế số đến các loại hình báo chí, sự đa dạng, hội tụ, hòa tan trong một tòa soạn đa phương tiện… đang là những tranh luận sôi nổi và sẽ còn kéo dài.
Một ngày đẹp trời chỉ cần một chiếc máy điện thoại thông minh, bạn và tôi có thể trở thành nhà báo tự do, tác nghiệp ở bất kỳ chỗ nào có “tin tức”.
Công chúng đang trở thành nhà truyền thông cho chính họ; cho những cộng đồng mà họ muốn đưa thông tin, chia sẻ ý tưởng.
Như vậy, để làm tròn vai của mình, cùng với lợi thế của thời đại thông tin số mang lại, các cơ quan thông tấn báo chí phải đối mặt với thách thức số hoá. Chỉ có một bộ não trí tuệ mới có thể “phát sáng”.
Đúng như câu ngạn ngữ của người Tây Ban Nha: “Thứ khiến người ta phát ra ánh sáng không phải là châu ngọc trên quần áo mà là trí tuệ sâu trong tâm hồn”.
Trong một hội thảo gần đây, khi bàn tới việc “nên” hay “không nên” khi xử lý những vấn đề cụ thể của mỗi tác phẩm, mỗi chủ trương tuyên truyền, có nhà báo cho rằng, câu hỏi này đặt ra sau câu hỏi: Vấn đề bài báo nêu có chân thật, khách quan, toàn diện không? Và anh đã nói bằng chính thực tiễn của cơ quan mình, của cá nhân anh – một cây bút chống tham nhũng, tiêu cực sắc sảo: Khi tôi viết bài điều tra này là tôi đang hỏi chính tôi, hỏi những người trong cuộc.
Tôi không chỉ đứng ở đầu nguồn tin tức mà tôi ở trong lòng tin tức. Điều tôi viết ra mới chỉ là một phần tài liệu tôi có. Cho nên bài viết là sự cảnh tỉnh chứ không vùi dập; thông tin chứ không đe dọa; trò chuyện chứ không phán xét. Đó là đạo đức nghề nghiệp là lương năng con người.
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, mỗi chúng ta lại nhớ về truyền thống, về các thế hệ đi trước. Có những kinh nghiệm của quá khứ nay không còn phù hợp. Thao tác của người viết bút lông, bút sắt, bút bi không giống với người viết trên máy vi tính.
Nhà thơ Chế Lan Viên viết về Đại thi hào Nguyễn Du: “Ta suy tư dưới ánh đèn nê-ông/ Ông bên ngọn đèn dầu lạc”. Mỗi thời mỗi khác. Nhưng dù thời cách mạng công nghiệp 4.0 hay mai sau là 5.0 và cao hơn nữa thì sự “máu nghề”, lòng trung thực là bất biến. Đó hạnh phúc, là cái đẹp và cái khó của nghề, xuyên thấu mọi thời đại.
Bài viết : Hải Đường
Thiết kế: Quốc Việt
Theo Nguoiduatin.vn
Link gốc: https://www.nguoiduatin.vn/e-suy-ngam-ve-nghe-bao-nen-va-khong-nen-a556970.html