Đoạn đường ấy tôi cũng từng nhiều lần chạy xe qua, nên khi nghe tin tôi đã không thể hiểu nổi tại sao lại có thể xảy ra tai nạn, bởi nó thẳng, không khuất tầm nhìn và khá tốt.
Nhưng khi nghe kỹ, thấy sự xuất hiện của một cái xe Howo (dân Việt hay gọi là hổ vồ) thì tôi lờ mờ đoán ra lý do.
Lái xe trên đường tôi ngán nhất là gặp mấy cái xe hổ vồ này và xe Công-ten-nơ (container).
Đấy là những loại xe luôn luôn chở rất nặng, và quan trọng là, chạy rất ẩu. Mà đúng, các ông ấy đã to thế, lại chở nặng thế, khác quái gì những cái chiến xa, xe tăng trên đường, ủi bay tất cả còn các ông ấy không hề hấn gì?
Nên tới lúc có cái clip của nhà dân cảnh cái xe hổ vồ húc bay cái xe con chở người của CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai thì tôi không bất ngờ nữa, vì nó đúng như mình dự đoán.
Ông hổ vồ (đúng như tên) từ phía sau lao lên vượt xe Hoàng Anh Gia Lai không quan sát, gặp xe ngược chiều, để tránh đối đầu bèn đánh lái đẩy cái xe con của Hoàng Anh Gia Lai đấu đầu xe đối diện thay mình, và tất nhiên xe hổ vồ kẹp đuôi. Cái xe Toyota bị kẹp như... kẹp chả, rách toang và rúm ró, 3 người tử vong tại chỗ. Lỗi hoàn toàn ở phía tài xế xe hổ vồ, chạy rất ẩu và liều mạng.
Nhiều lúc tôi phải tự hỏi, tại sao những người lái xe ấy, họ lại chạy ẩu thế. Bởi nếu xe của họ, và họ là chủ, tức cũng rủng rẻng tiền bạc nó khác, xảy ra va quệt gì bỏ ra đền ngon ơ. Đây lái thuê lĩnh lương, chắc cũng không dư dả gì, xảy ra tai nạn, nhẹ thì bỏ tiền túi đền, nặng thì đi tù. Có người lý giải do áp lực thời gian, chạy nhanh để quay vòng. Thực ra cũng không phải, bởi nếu tính kỹ thì có nhanh cũng chả bao nhiêu, chưa kể giờ còn camera phạt nguội vi phạm tốc độ, phạt cũng trĩu tay phết.
Ở Gia Lai sợ nhất là vào mùa mía, chạy xe trên đường 19 xuống nhà máy đường An Khê và đường 25 xuống nhà máy đường Ayun Pa. Đấy là những cái xe lù lù như núi, gặp đoạn đường xấu nó nghiêng bên này ngả bên kia rất kinh. Nhiều lúc chạy phía sau tôi hết sức ngạc nhiên rằng tại sao nó nghiêng tới thế mà không... lật.
Cũng hôm qua, do vụ ba người của Hoàng An Gia Lai nó át đi cái vụ ở Đà Lạt cũng một xe tải tông chết hai sinh viên cùng đều 20 tuổi. Hai mạng người rất trẻ, tương lai phơi phới bị cái xe tải cướp đi sinh mạng trong tích tắc. Tất nhiên cũng giống như vụ tông chết ba người ở Gia Lai, tài xế đã bị tạm giam để khởi tố. Và như thế, không chỉ có những nạn nhân tử vong mới thiệt thòi, mà chính từ phía tài xế cũng rất khổ. Bản thân họ đi tù khổ đã đành, gia đình vợ con cũng khổ. Cái vụ anh chàng tông chết người chạy xe grab và cô tiếp viên hàng không ở TP HCM đấy, đi tù rồi nhưng phải để tòa án phát mãi nhà để thi hành án.
Hay lái xe trên đường, tôi thấy ý thức của các lái xe, hầu như là lái thuê, nhất là các loại xe kể trên, rất kém. Họ toàn chạy lấy được, bất chấp hậu quả, dù có hồi, nghe ai đồn, tài xế nào cũng mua câu khẩu hiệu đề can đỏ chót dán trên xe “an toàn là trên hết”, hoặc “tính mạng con người là trên hết”. Họ đồn là công an yêu cầu thế, và thế là người in đề can bội thu.
Một trong những nguyên nhân là do chúng ta làm chưa nghiêm, khi xảy ra các vụ lớn như hai vụ vừa nêu mới bắt giam rồi khởi tố. Còn trước đó, thấy các xe cũng hay bị cảnh sát giao thông dừng, “xem giấy” rồi chạy tiếp. Nên có lần tôi cũng từng viết báo đề nghị, nếu xe nào bị chốt cảnh sát bắt vì vi phạm thì phải phạt chốt trước, vì chính các chốt trước đã để xe vi phạm qua mà... không biết. Ví dụ xe quá khổ quá tải, xe chở gấp 3 lần số lượng hành khách được phép.
Đang ngồi viết bài này, thì tin nổi lên trên màn hình điện thoại: Hai xe khách tông nhau ở Sa Pa, 13 người bị thương...
Cứ tốc độ này thì Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia không đủ người để tỏa về các địa phương có hiện trường tai nạn chỉ đạo xử lý và thăm hỏi động viên nữa...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.