Nhớ những cái Tết xưa, mưa phùn lây rây trên mặt phố. Mùi diêm sinh tỏa ra trong tiếng pháo, đem lại hương vị Tết. Gần đến giao thừa, tiếng pháo đã râm ran. Rồi đến lúc giao thừa chuyển giao, tiếng pháo đì đùng ở ngay quanh nhà. Tết đến!
Nhớ cái Tết của thời bao cấp, khi đi xếp hàng mua được túi quà Tết là đã thấy Xuân về trước ngõ. Trong cái túi quà Tết ấy, to nhất là mấy cái bóng bì lợn, có hộp mứt Tết, hộp chè, băng pháo... Nhà nào có điều kiện lắm thì mới có thể luộc một nồi bánh chưng riêng, còn nếu không thì vài nhà chung với nhau để luộc một nồi bánh chưng ở cầu thang khu tập thể, và chiếc nồi phải đi mượn, phải đặt trước cả tuần.
Nhớ cái Tết xưa, được lũn cũn theo chị đi làm bánh quy gai. Bánh kẹo ngày xưa ít, cả năm đến ngày Tết mới được ăn bánh quy. Hồi đó, dọc phố Đại La, Minh Khai có nhiều lò bánh thủ công. Đem bột mỳ, đường, trứng đến để họ nhào bột, cho vào lò nướng. Hồi đó cũng chẳng có bơ hay va-ni như bây giờ, nhưng mỗi mẻ bánh ra lò thấy thơm phưng phức. Gọi là bánh quy gai vì bột sau khi nhào xong chạy qua cái khuôn để chảy xuống khay, những sợi bột nhô lên thành những cái gai như trên lưng cá sấu. Chỗ bột vét cuối cùng, bác thợ vui tính bao giờ cũng làm thành một cái gì đó cho thằng bé đang tròn xoe mắt ngắm nhìn, có thể là hình ngôi sao, có thể là con cá. Chỉ thế thôi, nhưng cảm thấy như mình được sở hữu cả một gia tài, đọng lại thành ký ức qua những ngày tháng không phai.
Nhớ những ngày trước Tết, khi trên đài phát thanh thường xuyên vang lên bài hát "Một mùa xuân":
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Đưa tay tôi hứng về...
Bài hát do nhạc sỹ Trần Hoàn phổ từ bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải. Cả nhạc sỹ và thi sỹ đều là những người con xứ Huế, phải chăng đó là nét đồng điệu để lời thơ đi vào ca khúc thật rộn ràng. Bài thơ sáng tác từ năm 1980 và được phổ nhạc sau đó, vào thời gian đất nước đang hết sức khó khăn, nhưng cứ nghe thấy đoạn nhạc dạo của bài hát này vang lên, là đã bồi hồi thấy Tết!
Nhớ những cái Tết ngóng chuyến đón đưa người thân từ phương xa về ăn Tết. Những chuyến tàu đông đúc, bụi bặm, căng mình gồng gánh không chỉ những lỉnh kỉnh hàng hóa, những gương mặt mệt mỏi nhưng hân hoan, mà cả những tâm tình ngóng đợi. Để rồi sau những chuyến tàu đến, lại là những chuyến tàu đi, mang theo niềm khoắc khoải, đợi chờ...
Có lần tôi thấy một người yêu,
Tiễn một người yêu một buổi chiều,
Ở một ga nào xa vắng lắm!
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.
(Nguyễn Bính)
Nhớ buổi chiều làm việc cuối năm, khi công việc đã dừng lại ngoài cánh cổng cơ quan, được chạy xe lang thang ngắm phố phường vào Tết. Một nỗi man mác xen lẫn trong cái hối hả của dòng người. Bắt gặp đâu đó hình ảnh một người bán đào đứng co ro trong giá rét, khi anh đang kiên nhẫn đợi vị khách nào đó ghé vào thăm giá, có phải là anh đang nghĩ đến nồi bánh chưng ở nhà chờ bàn tay người nhóm lửa, hay lũ trẻ đang lăng xăng trước sân đợi một món quà Tết mang về.
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn
(Chế Lan Viên)
Tết về, nghĩ đến bức tranh chợ Tết đầy sắc màu trong thơ Đoàn Văn Cừ, đến bức tranh Đông Hồ đem lại cảm giác sung túc, viên mãn.
Tết về trong tiếng sáo ngâm thơ, Tết về trên những trang báo Tết, Tết về trong Hội hoa Xuân trong Công viên Thống Nhất...
Tết chẳng bao giờ nhạt phai trong ký ức người Việt, dù là đi đâu, ở đâu. Những cái Tết dù ở trời Âu, đất Mỹ thì hương vị về Tết qua mỗi năm chỉ đậm đà thêm mà không hề vơi giảm.
Tết là tống cựu nghinh tân, Tết cũng là ôn cố tri tân. Là những cảm xúc tản mạn, góp phần vào không khí Tết...
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
(Vũ Đình Liên)