Tình yêu là gì? Câu hỏi dường như rất quen thuộc với mỗi người. Bởi, ai trong chúng ta cũng một lần trải qua, từ những ngày đầu chập chững chớm thương chớm nhớ, đến những lúc hồn đã say, tâm đã chín. Ai trong cuộc đời này không từng đi qua một lần yêu?
Tình yêu, ắt hẳn cũng là một dạng "quy luật tự nhiên" như vô vàn quy luật tự nhiên khác. Ở một góc nhìn nào đó, yêu còn đồng dạng với hít thở. Vì nếu không yêu, có khi ta thấy cuộc đời không còn ý nghĩa gì, không còn thiết sống nữa.
Cũng do tình yêu là một điều rất hiển nhiên, nên rất nhiều người trong chúng ta không thực sự suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi trên. Tình yêu là gì? Như thế nào mới gọi là yêu? Nên yêu như thế nào cho tốt?
Năm mười chín tuổi, tôi có đọc một câu nói trong một cuốn sách mang tính rèn luyện kỹ năng sống, tác giả chia sẻ, rằng yêu chỉ là một động từ, nên ta làm chủ nó, không phải nó làm chủ ta.
Xét ở góc độ nào đó, thì câu nói ấy có phần quá lý tính. Bởi, nhiều người trong chúng ta, chỉ biết rằng mình yêu, không biết vì sao mình lại yêu. Nếu yêu là động từ, ta làm chủ nó, thì vì sao ta lại không biết gì về nó.
Nhưng rõ ràng, yêu là một động từ. Trong cấu trúc ngôn ngữ (cấu trúc câu), khi bạn nói bạn yêu ai đó, thì yêu đóng vai trò là một động từ. Yêu giống như làm, gặt, hái, đi,… nghĩa là nó có chức năng như một động từ. Vậy nên, ta là người làm chủ hoàn toàn điều đó.
Chỉ là yêu thôi mà, sao lại phức tạp vậy? Yêu, vừa là điều ta thực sự biết, nhưng cũng là điều ta không biết gì về nó cả. Đó chính là sự phức tạp của con người. Khi nói về yêu, với trạng thái cảm xúc nơi con người, thì yêu mang tính nội sinh như ghét, hận, căm phẫn, thương mến, và đôi khi là vô cảm. Ở khía cạnh này, yêu là một loại xúc cảm.
Cũng bởi vì yêu phức tạp như vậy, nên rất nhiều người trong chúng ta không biết rõ đâu thực sự là tình yêu. Đâu là tình yêu đích thực của đời mình? Có người hoài tìm kiếm cả đời cũng không tìm được người mình thực sự yêu. Có người thì gán định tình yêu cho một người duy nhất, và khi người mình yêu đã quyết định lập gia đình cùng người khác rồi, thì người đó ở vậy suốt đời, thề không yêu ai nữa. Có người vì yêu một người mà quyết chí tự tử để thể hiện lòng mình.
Yêu, một từ rất đơn giản, mà biểu hiện trong cuộc sống thì vô cùng. Nhiều người yêu trong êm đềm, nhiều người lại chọn sự thể hiện tình yêu thật ồn ào cho cả thế giới đều biết, có người cả đời thương thầm một người mà không dám nói ra. Có thể nói, mỗi người có một cách thức thể hiện lòng mình khác nhau, không ai giống ai cả, cũng như không cặp tình nào giống cặp tình nào.
Nói như vậy, không có nghĩa rằng yêu không có những điểm chung, tương đồng. Nếu nhìn một cách nhất quán, thì thực ra yêu chỉ có một vài kiểu thôi. Đó là yêu trong mê cuồng mù quáng, hay yêu trong sáng suốt tự chủ. Nhiều người biện luận, rằng đã yêu thì không thể nào sáng suốt được, vì nếu còn sáng suốt thì không thể gọi là yêu. Vậy đâu là ranh giới giữa mù quáng và sáng suốt?
Chết nhau vì tình. Điều đó không còn xa lạ gì trong cuộc sống của chúng ta. Năm nào cũng vậy, thi thoảng đâu đó ta vẫn nghe thông tin về những vụ giết người liên quan đến ái tình. Như trường hợp mới đây nhất, tại một quán cà phê ở Sài Gòn, một người đàn ông sinh năm 1985 sát hại người tình sinh năm 1982, vì người tình có ý muốn quyết định chia tay. Sau đó, người đàn ông tự tử theo. Tại hiện trường vụ án, công an thấy hai người chết bên nhau, người đàn ông ôm người phụ nữ, bên cạnh họ là máu chảy lênh láng.
Chuyện đau lòng về tình yêu, không chỉ diễn ra với những người ở độ tuổi còn trẻ, nông nổi, chưa hiểu sự đời, suy chưa đến nơi, nghĩ chưa đến chốn, mà như câu chuyện trên, hai người đã trên dưới bốn mươi cả rồi. Vậy nên, tình yêu đâu có sự phân biệt tuổi tác. Chỉ là, yêu như thế nào?
Trong Phật giáo, nếu những ai có ý tìm hiểu, thì chắc chắn sẽ bắt gặp một cụm từ rất quen thuộc, là: yêu trong tỉnh thức. Như thế nào là yêu trong tỉnh thức? Yêu trong tỉnh thức được hiểu nôm na là tình yêu mang tính vị tha, yêu kèm với lòng thương, lòng từ bi, yêu là sự tôn trọng sự hiện hữu của đối phương, yêu là trân quý nhau, nghĩa là ta đặt tình yêu trong sự liên hệ với ý thức sáng suốt.
Yêu trong tỉnh thức đối lập hoàn toàn với yêu trong si mê, mù quáng. Yêu trong tỉnh thức là yêu trong sự bao dung, hiểu theo một cách nào đó, khi ta yêu một ai đó thì ta hãy để người đó được tự do. Nó trái ngược với tình yêu vị kỷ, mong muốn chiếm hữu. Khi một người yêu một ai đó mà có mong muốn chiếm hữu, thì tình yêu đó không còn tỉnh thức nữa.
Yêu trong tỉnh thức còn là yêu trong trạng thái tùy duyên, còn duyên thì bên nhau, hết duyên thì xa nhau, không chấp niệm, không bó buộc bản thân mình vào một ai đó, hay bó buộc ai đó vào bản thân mình.
Trở lại với câu hỏi ngay từ tiêu đề: Tình yêu là gì? Có lẽ, rất nhiều người trong chúng ta từng yêu và từng tự hỏi, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng nghiêm túc tìm hiểu và lý giải được. Cũng vì lẽ đó, một số người trong chúng ta chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì, nên mới có những sự vụ đau lòng xảy ra.
Nếu ai trong chúng ta cũng ý thức được tình yêu nơi bản thân mình, yêu trong tỉnh thức, thì có lẽ thế giới này sẽ không còn những câu chuyện thương tâm vì yêu!...