Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tranh cãi chuyện... tên quê

Tranh cãi chuyện... tên quê
Nếu người Nam Định nghĩ rằng cái tên Nam Định đẹp hơn, truyền thống lâu đời hơn cái tên Ninh Bình thì những người Ninh Bình cũng có thể tìm ra đủ lý do để cho rằng cái tên Ninh Bình hay hơn, ý nghĩa hơn và xứng đáng được tồn tại hơn.

Dù các đề án sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã đang trong giai đoạn tính toán dự thảo, tức là chưa chính thức rõ những địa phương nào sẽ được sáp nhập, và cũng chưa có tên chính thức của những tỉnh mới, nhưng trên các mạng đã sôi nổi bàn luận tên tỉnh, thành.

Nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc nếu tên của tỉnh mình sẽ không còn được sử dụng. Phần lớn mọi người đều muốn giữ lại tên của địa phương mình, dẫn đến bất đồng chính kiến về tên tỉnh rộ lên khắp .

Tôi sinh ra ở huyện Hải Hậu, suốt thời tuổi thơ, quê tôi thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Tên Hà Nam Ninh dường như ăn sâu vào máu thịt, như găm vào trong ý niệm của tôi suốt thời niên thiếu, rằng đó là địa danh từ ngàn đời.

Khi tôi xa quê lên Hà Nội, vào đại học được gần một năm, đọc được thông tin tách tỉnh. Hà Nam Ninh quê tôi được tách ra thành hai tỉnh: Nam Hà và Ninh Bình. Đến năm 1996, Nam Hà tiếp tục được tách ra thành tỉnh Nam Định và Hà Nam. Phải đến những năm đó, khi đã là sinh viên, tôi mới tìm hiểu về lịch sử địa danh quê mình, để biết rằng "Hà Nam Ninh" không phải cái tên từ ngàn đời như tôi vẫn tưởng, mà chỉ xuất hiện từ cuối năm 1975 và tồn tại trong vỏn vẹn chưa đầy 16 năm.

Tìm về lịch sử, xưa kia vào thời Trần, vùng đất Nam Định vốn có tên là Phủ Thiên Trường. Đến thời Lê Sơ, Phủ Thiên Trường cùng với 10 phủ khác được hợp thành Trấn Sơn Nam.

Dẫu vậy, bất cứ ai hỏi "quê ở tỉnh nào?", tôi thường buột miệng trả lời "Quê ở Hà Nam Ninh". Sau đó như nhớ ra, mới "chữa lại" rằng quê ở tỉnh Nam Định. Câu Hà Nam Ninh luôn thốt ra như từ vô thức, cũng chỉ vì cái tên đó ăn sâu vào tâm tưởng, như cội rễ bám sâu suốt thời niên thiếu, mãi không sao quên được.

Giấy chứng minh nhân dân lần đầu được cấp khi tôi 17 tuổi, do nhà nước không yêu cầu phải làm lại giấy tờ tuỳ thân khi tách tỉnh và đổi tên tỉnh, nên tôi vẫn sử dụng suốt gần mười lăm năm. Cho đến năm 2001, bị mất giấy chứng minh nhân dân, tôi mới xin cấp lại, từ đây trên giấy tờ tuỳ thân của tôi mới có chữ "Nam Định". Sau này, khi tôi chuyển hộ khẩu về Hà Nội, trên thẻ căn cước công dân, chữ Nam Định chỉ còn ở trong dòng "Quê quán".

Tranh cãi chuyện... tên quê
Một góc thành phố Nam Định nhìn từ trên cao.

Nếu tới đây, tỉnh Nam Định quê tôi sáp nhập với các tỉnh khác và tên của tỉnh bạn được chọn làm tên chung của tỉnh mới, khi ai đó hỏi quê ?, tôi sẽ không thể trả lời rằng tỉnh quê tôi là Hà Nam Ninh, Nam Hà hay Nam Định nữa. Trong lòng không khỏi bùi ngùi.

Bỗng nhiên câu thơ của Bùi Giáng vụt hiện:

"Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa

Gọi tên là một, hai, ba

Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm".

Hoá ra, bất cứ cái tên nào cũng khó chính xác, bởi vì tên của mỗi địa phương cũng tuân theo định luật "vô thường": thành, trụ, hoạt, diệt. Từ cổ chí kim, không có một địa chí nào mang một cái tên trường tồn qua thời gian. Đất nước ta từng mang nhiều tên khác nhau: Văn Lang, Vạn Xuân, Đại Việt… Những quốc hiệu ấy, giờ đây không còn là tên của đất nước ta nữa, nhưng vẫn ăn sâu trong tiềm thức, trong tâm tưởng của mọi người dân Việt. 

Ở cấp địa phương, Hà Nội xưa từng mang tên Đại La, Thăng Long. Thành phố Hồ Chí Minh, xưa kia tên là Gia Định, sau đổi qua nhiều tên khác, trong đó có Sài Gòn, rồi mới có tên là thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Mỗi vùng đất, mỗi xóm làng luôn biến đổi theo thời gian, vì thế mà không thể dính chấp mãi vào một cái tên. Tên làng, tên xã, tên tỉnh cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời cuộc. 

Bùi Giáng sinh ra ở Quảng Nam, nhưng khi ông viết "Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu" (bãi biển hoá nương dâu), lại trở thành câu trả lời chính xác với nhiều địa phương, trong đó có huyện Hải Hậu quê tôi – nơi cách đây 700 năm còn là biển cả, đây là vùng đất mới hình thành nhờ tổ tiên chúng tôi quai đê lấn biển qua hàng trăm năm. 

Giờ đây, khi nhà nước xoá bỏ cấp huyện, thì cái tên Hải Hậu cũng như khoảng 700 tên huyện khác sẽ trở thành dĩ vãng, nhìn ở góc độ nào đó cái tên sẽ như "giấc mộng ban đầu rất xa".

Cố thi nhân Bùi Giáng viết: "Gọi tên là một, hai, ba/ Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm". Có lẽ Bùi Giáng viết các tên một, hai, ba là vì ông sống ở Tp.Hồ Chí Minh chăng? Khi ta gọi tên quận 1, quận 2, quận 3, thì đó không còn là những con số khô khan nữa, mà đã trở thành những cái tên diệu tưởng."Diệu" có thể hiểu là tuyệt vời, kỳ diệu, còn "tưởng" có nghĩa là tưởng tượng hoặc hình dung. Khi ghép lại, "diệu tưởng" mang nghĩa là một hình ảnh lý tưởng, một điều gì đó đẹp đẽ, hoàn hảo trong suy nghĩ hoặc trí tưởng tượng. Ai cũng thấy tên địa danh nơi mình sinh ra, sinh sống là cái tên vô cùng đẹp đẽ, bởi vì đó chính là cái đẹp đã ăn sâu vào tâm hồn, tâm thức mỗi người.

Nhưng nếu ta so sánh số 1, với số 2, số 3 để rồi tự hỏi số nào đẹp hơn, số nào giá trị hơn khi lấy làm tên địa danh, thì sẽ rơi vào "nghi tâm" - trạng thái tâm lý của một người khi có sự nghi ngờ, không chắc chắn hoặc băn khoăn về một vấn đề nào đó. "Nghi" có nghĩa là nghi ngờ, còn "tâm" có nghĩa là tâm trạng, tâm lý. Khi kết hợp lại, "nghi tâm" thể hiện cảm giác do dự, không rõ ràng trong suy nghĩ, hoặc có sự hoài nghi về điều gì đó. Nếu ta "nghi tâm", tâm thức đo lường, tâm thức phân vân sẽ đẩy tâm hồn ta vào trạng thái ngờ vực. Và khi đó, cái đẹp của tên địa danh sẽ biến mất.

Đọc lại những câu thơ của Bùi Giáng, bỗng nhiên tôi hoát ngộ. Mình yêu cái tên quê của mình và cho đó là những cái tên vô cùng đẹp, linh thiêng – đó là những suy nghĩ rất chính đáng và đúng đắn.

Nhưng nếu người Nam Định nghĩ rằng cái tên Nam Định đẹp hơn, truyền thống lâu đời hơn cái tên Ninh Bình thì những người Ninh Bình cũng có thể tìm ra đủ lý do để cho rằng cái tên Ninh Bình hay hơn, ý nghĩa hơn và xứng đáng được tồn tại hơn. Ai ai cũng có một bản tính rất tự nhiên là sự tự hào về gốc rễ, quê hương của mình. 

Nhưng, nghĩ ngược lại, nếu ai cũng mang ý nghĩ địa phương, cục bộ theo kiểu như thế, thì cái tâm phân biệt, tâm đo lường đấy đã đẩy ta rơi vào trạng thái "nghi tâm" như trong câu thơ của Bùi Giáng. Khi đó, xung khắc và bất ổn sẽ khiến lòng ta không yên vui, và những bất đồng không đáng có sẽ xảy ra.

Vì vậy, mỗi người cần phải từ bỏ "nghi tâm" để trở về với trạng thái "diệu tưởng". Khi những cái tên đã hoàn thành sứ mệnh, hãy để cho những cái tên "Sơn Nam Hạ", "Thiên Trường", Nam Định trở về lung linh trong ký ức, trong tâm thức. 

Hãy để lòng ta không còn chấp niệm vào một cái tên nào, để trở về với nguyên sơ bản thể. Để rồi, khi ai đó hỏi "Quê ở đâu", ta sẽ ráo hoảnh trả lời: "Rằng biển xanh dâu", "Rằng mộng ban đầu đã xa".

Nhà báo Chu Minh Khôi hiện là phóng viên tại Tạp chí Kinh Tế Việt Nam (VnEconomy). Ngoài viết báo, anh còn làm thơ và nghiên cứu về di sản, văn hóa Phật giáo.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.96486 sec| 651.195 kb