Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Trước tiền…

Trước tiền…
Từ năm 1998, pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành, và về danh nghĩa nó phải được thực hiện nghiêm túc từ hồi ấy.

Nhưng có vẻ như, thời gian trước đây, chúng ta chỉ “nhắc” tới nó mà chưa quyết liệt có biện pháp cụ thể để thực hiện, để đưa nó vào cuộc sống.

Nhớ thời còn đi làm, tôi cũng từng trong diện là đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm.

Ngắm mãi trong nhà, chả có cái gì tới ngưỡng phải khai, bèn khai cái... tủ sách. Tôi có 2 tủ sách rất lớn, áp vào tường chiếm luôn toàn bộ một phía tường phòng khách. Sách mua từ hồi bao cấp, có lương là trích ra một phần tư lương để mua. Sách bạn bè tặng, sách của cá nhân là tác giả... Sách cũng là tiền, là... vô giá, thế là tôi khai cái tủ sách của tôi trị giá năm trăm triệu đồng, hồi ấy là số tiền cực lớn, có thể mua được hai cái ô tô.

Nộp xong tôi chuẩn bị tinh thần giải trình khi có người của cơ quan chức năng hỏi.

Nhưng lạ là, chả thấy ai hỏi.

Tôi nghi là, cái phiếu kê khai ấy của tôi chả có ai đọc.

Thực ra, nếu chỉ làm một phép tính đơn giản, lương ấy, thu nhập ngoài lương chính đáng ấy, của cái ông bà cụ kỵ để lại ấy, con cái cho ấy... cộng tuốt luốt lại, rồi so với mức sống của cán bộ: xe, nhà, đất, con ăn học, mức chi tiêu hàng ngày... ta có thể biết kha khá về người ấy. Nhưng chúng ta đã không làm, và thế nên mới xảy ra vụ Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ.

Trước tiền…
Ông Lê Đức Thọ. Ảnh: Dân Trí

Cho đến bây giờ cũng vẫn chưa có thông tin chính thức về anh này, chỉ biết theo thông báo là “Ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.

Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân”. Còn dân ở ngoài thì xì xào, bác này kê khai tài sản không trung thực, có rất nhiều tiền “bất minh”.

Ông Thọ là cán bộ trẻ, từng làm "sếp" ngân hàng, có nhiều tiền cũng là... đương nhiên. Nhưng nhiều tới mức phải kỷ luật rất nặng, cách hết chức vụ thì quả là nhiều người chưa nghĩ tới, ông Thọ càng chắc chắn là không ngờ.

Và việc xử lý ông Thọ chính là sự tuyên chiến với sự không trung thực trong kê khai tài sản, tuyên chiến với sự tù mù, dung túng nhau lâu nay. Và tuyên chiến với cả sự nhờn phép nước của một bộ phận cán bộ.

Bởi như đã nói, người bình thường chỉ nhìn qua là đã biết anh sống như thế nào, tiền thu nhập với tiền tiêu có chênh nhau nhiều không? Lương của chúng ta sống bình thường đã chật vật. Báo LĐ vừa đưa tin: "Nhận lương hưu 3 triệu đồng, người cao tuổi xoay xở như thế nào?", thế mà có người nhà biệt thự như lâu đài, xe sang, đồng hồ hàng tỉ, con học nước ngoài... nên rất nhiều người nói, ai cũng biết, cũng nói lương không đủ sống, nhưng ai cũng sống rất tốt, rất sướng, rất khỏe. Nghịch lý thế, ai cũng thấy nhưng... lâu ngày thành quen. Thậm chí cán bộ còn ngầm khoe tài sản, của cải với nhau.

Thế nên động thái quyết liệt của bộ chính trị với bí thư Bến Tre nó mới là tiếng sét giữa trời quang, không trở tay kịp.

Cái chính là, chúng ta cần một cơ quan hết sức tinh nhuệ, chuyên môn sâu để làm việc kê khai tài sản này, làm một cách thường xuyên, liên tục. Nó chính là cái gốc của vấn đề để ngăn cán bộ sa ngã, phạm tội. Nếu ngăn chặn ngay từ đầu, chắc là ông Lê Đức Thọ không lún sâu đến thế, vừa không mất một cán bộ, chắc chắn có năng lực, bởi có năng lực mới được chọn giữa bao nhiêu người để ngồi vào ghế ấy, vừa không xáo trộn dư luận .

Phải cơ quan chuyên môn sâu mới nắm được giá trị tài sản (đến cái thắt lưng, cái túi, cái ví, cái kính... cũng mấy ngàn đô la, dân ngoài nghề mấy người biết), mới biết các nguồn tiền vào ra, mới biết các cách rửa tiền, kể cả mang ra nước ngoài rửa, kể cả biến thành bất động sản... chứ nếu chung chung thì lại rồi cũng như trước.

Tôi đi uống cà phê sáng, chuyện hay bàn những ngày này trong quán cà phê là... cán bộ, trong đó có việc kê khai tài sản của cán bộ. Nhiều tin đúng nhưng cũng nhiều tin vu vơ. Nhất là đồn miếng đất này của ai, biệt thự nọ của ai vân vân. Nên khi có một sự công khai minh bạch, cán bộ được kê khai tài sản xong thì công khai luôn, chắc chắn niềm tin của dân vào cán bộ sẽ cực cao.

Qua vụ cụ thể Việt Á chẳng hạn, thấy mấy ông liên quan, từ thư ký, trợ lý, tới Bộ trưởng, Bí thư tỉnh... nhận tỉ này tỉ kia tiền hối lộ mà kinh. Nếu chặt chẽ, anh không thể nhận được tiền, và nếu có nhận cũng không thể tiêu được , thế là... hết phép.

Thế nào là chặt chẽ. Khó đấy, nhưng nếu có cơ quan chuyên sâu, trực tiếp, có sự chỉ đạo sát sao, liên tục, chắc chắn sẽ có cách.

Trước tiền, chỉ sự tự giác thôi chưa đủ, chỉ lương tâm, lòng tự trọng và nhân cách chưa đủ, mà cần có những chế tài cụ thể, để dẫu thèm lắm, muốn lắm, mê lắm, thích lắm... mà cũng không thể lấy. Lỡ có lấy cũng không thể tiêu được.

Ôi tôi có mơ mộng quá không?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36578 sec| 645.18 kb