Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Văn hóa đọc, văn hóa sách, và văn hóa…

Văn hóa đọc, văn hóa sách, và văn hóa…
Sự xuống dốc, lép vế của “văn hóa đọc” cùng lúc với sự lên ngôi, áp đảo của “văn hóa nghe nhìn”, thậm chí có những người còn cột vào cổ “văn hóa đọc” cái trách nhiệm về sự suy thoái đạo đức xã hội.

Trong nhiều năm trở lại đây – mười năm, hai mươi năm, hay hơn nữa, tôi không chắc lắm – chúng ta thường nói đến cụm từ “văn hóa đọc”, đến sự xuống dốc, lép vế của “văn hóa đọc” cùng lúc với sự lên ngôi, áp đảo của “văn hóa nghe nhìn”, thậm chí có những người còn cột vào cổ “văn hóa đọc” cái trách nhiệm về sự suy thoái đạo đức . Để rồi từ đó, dấy lên làn sóng kêu gọi và những chương trình hành động lớn nhỏ nhằm phục hồi, chấn hưng, phát triển “văn hóa đọc” trong cộng đồng, đặc biệt với đối tượng là những người trẻ. Đỉnh điểm là sự kiện ngày 24/2/2014, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là “ngày Sách Việt Nam”, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trên phạm vi toàn quốc. Tiếp nữa, năm 2018, Bộ Thông tin & Truyền thông cùng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức “giải thưởng Sách quốc gia” lần thứ nhất – tiền thân của nó là “Giải sách Việt Nam”, diễn ra thường niên từ năm 2004 - đến nay đã sắp sáu lần trao giải.

“Ngày sách”, “giải thưởng sách”. Chỉ có “sách” chứ không có “đọc”. Vậy tại sao không gọi “văn hóa sách” mà cứ phải là “văn hóa đọc”, như nó đang rất phổ biến hiện nay? Tôi chịu, không trả lời được câu hỏi này, nhưng vẫn tin rằng “văn hóa sách” mới đúng là “gọi sự vật bằng tên của nó”. Bởi vì, lấy sách làm bản vị, ta sẽ có cả một thế giới được tạo thành bằng rất nhiều hành vi và hoạt động đa dạng quanh sách, mà “đọc” chỉ là một trong số đó: viết sách, trình bày sách, sản xuất sách, quảng bá và phân phối sách, mua sách, đọc sách, sưu tầm sách, trưng bày sách, tặng sách, trao đổi và lưu giữ sách…, và cả một hệ thống những quan niệm, triết lý, hay những câu chuyện nảy sinh từ cuộc giao tiếp bất tận giữa con người với sách, vừa như một thực thể vật chất lại vừa như một biểu tượng tinh thần. Cái đó mới đích xác là sinh quyển văn hóa từ sách, nói cách khác, là “văn hóa sách”.

Văn hóa đọc, văn hóa sách, và văn hóa…
Nhiều chương trình được tổ chức nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách. 

Còn đọc và “văn hóa đọc” thì sao? Đọc là, có thể mượn một ý của Phùng Ký Tài, nhà văn nổi tiếng của văn chương Trung Quốc hiện đại: đọc là đào sâu vào thế giới của người khác, khác với viết là đào sâu vào thế giới của chính mình. (Dĩ nhiên, đọc cái gì, đọc/ đào sâu đến đâu, và dùng cái đọc ấy như thế nào thì lại là việc rất khác nhau với mỗi chủ thể đọc). Bản thân đọc – bất kể đọc cái gì: sách, báo, công văn, tờ rơi hay bản đồ, bản nhạc, bản thiết kế - đã là một hành vi văn hóa, cho nên nói “văn hóa đọc” có khi lại là thừa.

Đến đây thì hình như tôi đã có lời giải cho câu hỏi mà tôi đã ngỡ mình “đứng hình”, chịu chết: tại sao lại cứ phải “văn hóa đọc” mới được? Là tại vì chúng ta đột nhiên coi trọng văn hóa (hoặc có vẻ coi trọng văn hóa). Chúng ta sính từ “văn hóa” đến mức sẵn sàng đính nó vào bất cứ từ nào khác: văn hóa phong bì, văn hóa từ chức, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa , văn hóa giao thông v.v… “Văn hóa đọc” cũng vậy thôi, do sính “văn hóa” mà ra. Trong khi, đại đa số những bàn luận về “văn hóa đọc” thời gian qua chỉ là những tiếng than về tình trạng một xã hội lười đọc, thậm chí không thèm đọc sách, và bây giờ cần phải làm cách nào đó để đọc sách trở lại là một thói quen, một nhu cầu với mỗi người và hình thành một phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Mục đích ấy tất nhiên là tốt, và nó cần được lan tỏa để mọi người chung tay góp sức. Nhưng ở giác độ cá nhân, tôi không tin lắm vào tính chất phong trào của việc “phát triển văn hóa đọc”. Đọc sách, trong bản chất của nó, là một hành vi văn hóa mang tính cá nhân rất cao, vì nó phụ thuộc vào nhu cầu tự thân của mỗi người. Nên khi định biến đọc sách thành một phong trào, thì biết đâu lại, giống như một chi tiết trong tiểu thuyết của Trần Mạnh Hảo, tất cả chiến sỹ trong tiểu đội đều bị bắt phải ngửa mặt lên trời ngắm trăng theo khẩu lệnh của sỹ quan chỉ huy. Rất hài.

*Bái viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24071 sec| 633.805 kb