Một trong những biểu hiện rõ rệt của văn hóa giao thông là sự hung hăng của những người tham gia giao thông.
Và, lạ thay, sự hung hăng này không hẳn đến từ phía cánh mày râu.
Mới nhất, một tờ báo đăng thông tin “Công an xác minh người loan tin sai lệch về nữ tài xế có nồng độ cồn ở Hà Nội”. Câu chuyện rất đơn giản, một cô gái lái ô tô va quệt với một anh xe máy. Nhẽ xuống xin lỗi nhau một câu, rồi ai đường nấy, đằng này cô gái lại gây sự, xưng là cháu ông này ông kia. Anh xe máy ban đầu đã định thôi, vì thấy cô gái có vẻ say, nhưng sau đấy thấy tình hình thế thì bèn gọi cảnh sát. Kết quả, cô gái lái ô tô có nồng độ cồn kịch khung. Thế là cái xảy nảy cái ung. Cô gái tới mấy cái sai, trong đó nặng nhất là nồng độ cồn kịch khung mà vẫn lái xe, và nữa là gây sự với người va chạm với mình, mà theo anh xe máy là ô tô va chạm với anh. Và cái sai nữa là bô bô giữa chốn rất đông người là cháu ông này ông kia, mà giờ công an đã xác định rõ ràng là... không phải.
Lại nhớ, dân ta hay có câu giễu: Biết bố mày (tao) là ai không để chỉ mấy anh hung hăng nhưng lại “cáo mượn oai hùm” mang bố ra dọa, dù có thể là một ông bố tưởng tượng nào đấy, cứ xưng thế cho nó sướng mồm, cho nó oai đã. Thực ra thì ở đây, “bố mày” chính là cái người xưng ấy, đòi làm bố người ta, và bố còn theo cái nghĩa là đại ca, là dân anh chị nữa chứ không chỉ là con quan, con “ông nào” đấy...
Cũng có mấy vụ công an xử lý, thậm chí bắt giam những kẻ hung hăng, trong đó mới nhất là 2 ông phi xe máy lên đường cao tốc chặn xe con để gây sự, một ông nữa thì lái xe con dừng xe xách dao chém lốp xe buýt, mấy ông nhõi nữa phi xe máy chém gương xe ô tô chả liên quan tới mình...
Buổi sáng tôi đi bộ thể dục về thường đúng giờ VTV đang chào buổi sáng, có cái mục giao thông, họ hay lấy mấy clip trên một group giao thông lớn, thấy nhiều cảnh sởn gai ốc. Đa phần các xe ô tô bây giờ đều gắn camera hành trình, nhưng lạ là rất nhiều tài xế quên hay không biết điều ấy, để khi mình gây sự, mình hành xử thiếu văn hóa, bị ghi lại rồi đưa lên group, rồi VTV lấy phát, rồi công an điều tra thì mới... khóc, khóc thật sự, khác hẳn thái độ yêng hùng, côn đồ khi hành xử.
Là ví dụ cảnh một xe khách chạy trên cao tốc, song song với một xe con, xi nhan rẽ phải, nhưng tốc độ cao, đang song song nên xe con chưa kịp nhường thì xe khách vượt lên và... chặn đầu xe con, ép vào hộ lan. Xe đang chạy tốc độ cao nên hành vi ấy là hành vi giết người chứ không thể nói khác.
Tôi xem clip mấy thanh niên ngổ ngáo (mà cũng không trẻ trâu lắm, vì có mấy anh gần bốn chục rồi) lên công an ngồi và mếu máo nhận sai, mếu máo ăn năn, mếu máo xin lỗi mà buồn cười. Nhẽ họ hiểu như thế từ khi hành xử thì hay biết bao nhiêu. Hai vụ mới nhất mà tôi nhắc phía trên, là vụ 2 người xe máy chặn đánh người lái ô tô và người lái xe con cầm dao chém lốp xe buýt đều đã 44, 38 và 33 tuổi thì không thể là trẻ trâu.
Nhưng cũng có những hành xử rất ổn. Mới nhất một thanh niên lùi xe va đúng đuôi xe tôi. Đường đông, thanh niên này nhảy xuống: cháu xin lỗi chú, cháu vội đi làm, cháu gửi chú số điện thoại, chú ra tiệm làm, hết bao nhiêu cháu xin trả... Tất nhiên tôi nói xe chú có bảo hiểm, xước không bao nhiêu, cháu đi đi, lần sau nhớ cẩn thận...
Vẫn trở lại vấn đề căn cốt là giáo dục ý thức giao thông, văn hóa giao thông. Cha ông ta có câu “Một sự nhịn là chín sự lành”, và “chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ”... hình như những người hay gây sự hoàn toàn không biết hoặc không hiểu những điều cha ông dạy.
Bởi, ngoài vài người có điều kiện, sẵn sàng nộp phạt, còn đa phần là lái thuê, lái để có lương, nhưng giờ, như cái xe khách chặn đường xe con ấy, chí ít là sẽ bị phạt tiền, bị thu bằng lái có thời hạn, đồng nghĩa với đụng ngay tới ví tiền còm của mình. Đi làm kiếm tiền nuôi vợ nuôi con mà hung hăng để bị tước bằng, bị phạt tiền thì đúng là công cốc.
Nhưng kể cả có điều kiện, sẵn sàng nộp phạt, nhưng khi phải bắt giam, phải ra tòa vì những lý do lãng xẹt như thế thì cũng rất là oan uống. Chả thế mà vừa hung hăng đấy, giờ trước nhà chức trách và cả... ống kính máy quay, họ khóc ngon lành, khóc như... không biết xấu hổ.
Nước ta giờ, xe cộ nhiều mà đường ít và chật, có người ví mỗi lần ra đường là như ra trận. Một mặt cần lập lại trật tự giao thông từ các giải pháp kỹ thuật, nhưng mặt khác, rất cần mọi người tự giác nêu cao văn hóa giao thông. Nó là từ cách vượt cách tránh, từ cách pha cốt đèn tới cách bóp còi, và khi xảy ra sự cố thì bình tĩnh ứng xử. Cao nhất là hai bên cùng... xin lỗi, rồi đợi cảnh sát đến giải quyết. Hung hăng lên, táng nhau, thì cả hai cùng thiệt, và nó tạo nên một hình ảnh méo mó trong mắt người khác.
Nhưng văn hóa giao thông không chỉ là từ những người đi trên đường. Ví như nạn ném đá lên tàu. Mà không chỉ đá, có khi cả bùn và phân trâu. Và tất nhiên thủ phạm không phải là những người đang trên tàu. Không biết trên thế giới có nước nào phải làm cái việc quái gở là lấy lưới thép chắn cửa sổ tàu lại như tàu hỏa nước ta không? Search trên google về ném đá trên tàu Việt Nam, trong vòng 0,46 giây cho ra 1.870.000 kết quả. Gần đây còn nạn ném đá xe khách, cái này nguy hiểm hơn ném đá lên tàu nữa vì tàu còn có lưới che. Và nguy hiểm hơn nữa, một số thanh niên ngồi trên cầu vượt cao tốc ném đá vào xe lưu thông phía dưới. Nó nguy hiểm gấp bội vì tốc độ xe chạy trên cao tốc rất cao...
Lại nói chuyện cao tốc. Báo chí vừa đưa tin một người đàn ông đi xe đạp nhặt ve chai trên cao tốc bị xe tải tông chết. Người này trước đó đã vào cao tốc nhặt ve chai được lực lượng chức năng đưa ra ngoài, nhưng 22h đêm ông này lại tìm cách vào và bị xe tải tông chết. À nhưng lại phải hỏi, làm sao trên cao tốc mà lại có... ve chai? Nó chính là từ các phương tiện đang lưu thông, hạ kính và... vù xuống đấy ạ, cả xe khách và xe con. Họ ăn, uống trên xe, và đường thênh thang chính là bãi rác của họ, cửa xe chính là cái họng xả rác.
Lại nhớ, một lần tôi cũng chạy cao tốc và phải thận trọng để tránh một đàn dê tung tăng trước mặt...
Văn hóa giao thông xứ ta, còn nhiều chuyện dài dài, và không chỉ từ những người lưu thông trên đường...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.